Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
4 nội dung công tác nhân sự
Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác chuẩn bị đại hội có hai vấn đề quan trọng là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Công tác văn kiện rất quan trọng, nhưng công tác nhân sự phức tạp, khó hơn, nhạy cảm hơn, cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra định hướng để làm cho tốt, để chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập 4 nội dung công tác nhân sự, đó là vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; trách nhiệm của chúng ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Đại hội các cấp, các ngành có tốt thì Đại hội toàn quốc mới tốt được. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ. Hiện nay, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, cơ cấu đẹp nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. Phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.
Dẫn câu nói nổi tiếng của cụ Nguyễn Du ngày xưa: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". "Tại sao lại đặt chữ tâm lên trên hết?" – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.
Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan đến sự sống còn của Đảng,
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, "dưới có vững thì trên mới bền chắc được". Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước. Từng cơ quan, từng cấp, từng ngành phải làm cho tốt công tác đặc biệt quan trọng này, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, nhân dân lên trên hết, toàn tâm toàn ý lo cho công việc chung, trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí thì công việc mới trôi chảy, mới xứng tầm lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, lần này nhấn mạnh trách nhiệm của người giới thiệu và đề xuất. Qua đó, cũng hiểu được người ngay từ đầu giới thiệu ban đầu có thật sự công tâm hay không.
Các cơ quan tổ chức có liên quan, mà trước hết là Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương phải dày công chuẩn bị và xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ then chốt của then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và sự phát triển bền vững, vững mạnh của đất nước. Từng cơ quan địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết. "Tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề này: đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị. Ta phải thống nhất với nhau tinh thần thế". – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phải tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, nêu lên kết quả, cũng như khuyết điểm hạn chế của các khóa trước, nhất là của khóa XII lần này để có thêm cơ sở, có thêm phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ khóa XIII. "Trên dưới đồng lòng đoàn kết thống nhất, thì công việc trôi chảy".
Hình ảnh tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan. Đặc biệt là phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn cán bộ. Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu. "Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che dấu khuyết điểm… Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê-kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh".- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.
Thật sự trung thành, thật sự công tâm, khách quan
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên trách nhiệm của những người chuẩn bị công tác nhân sự: Các đồng chí thành viên Tiểu ban và tổ giúp việc Tiểu ban nhân sự phải thật sự là những người tuyệt đối trung thành, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải tỉnh táo. Nói theo các cụ: "đừng nhìn gà hóa quốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong"… Do vậy, phải có con mắt tinh đời, "anh hùng đứng giữa trần ai mới là...", phải biết được, phát hiện được những người tài.
Phải tuyệt đối giữ nguyên tắc, quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, chống các biểu hiện tiêu cực ngay trong các cán bộ có trách nhiệm, các đại biểu đại hội, và các thành viên của Tiểu ban, của Tổ giúp việc. "Nguyên tắc của chúng ta là tập thể lãnh đạo, lãnh đạo tập thể, lãnh tụ tập thể, không nên đặt mình lên trên cả tập thể. Cho nên chúng ta phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ để mỗi người tự hoàn thiện mình, tự phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu để khi mỗi cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn diện, vững mạnh hơn và mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình. Tránh tình trạng "cua cậy càng", "cá cậy vây", tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt vì cho mình là nhất. "Tinh đời là ở chỗ chọn anh này mạnh cái này, anh kia mạnh cái kia bổ sung cho nhau tạo nên một ê-kíp mạnh". – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ và khẳng định: "Ban chấp hành Trung ương mạnh, Bộ chính trị mạnh, cán bộ chủ chốt mạnh thì không sợ gì hết, nhân dân tin tưởng ủng hộ!"./.
Theo dangcongsan.vn