THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề nghị của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 532/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1), A(H5N6) trên gia cầm và ở người.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống các bệnh: Dịch tả Lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19; khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5627/UBND-KTN ngày 20/11/2019 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân; Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2019 - 2025.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh trên đàn gia cầm và thông báo kịp thời cho Sở Y tế khi phát hiện các ổ dịch; Phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm; Chủ động lấy mẫu giám sát trên đàn gia cầm, các chợ buôn bán, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và những nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện kịp thời những nơi có nguy cơ mắc vi rút cúm gia cầm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao; Phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch tại các Chốt kiểm dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ cá nhân, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, phổ biến kỹ năng phòng lây nhiễm vi rút cúm khi tiếp xúc với gia cầm cho lực lượng thú y và các lực lượng chức năng tham gia phòng chống dịch, chống buôn lậu, tiêu hủy gia cầm.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Hải quan các cửa khẩu: Bu Prăng, Đắk Peur và các đơn vị có liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển, buôn bán gia cầm qua các cửa khẩu và nhập lậu qua đường biên giới.
Giao Sở Giao thông vận tải Phối hợp với lực lượng Thú y, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra tại các bến xe, các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc lưu thông qua địa bàn tỉnh.
Giao Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh (trực 24/24h tại Chốt kiểm dịch động vật cầu 14 xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút và Điểm kiểm dịch động vật Cây Chanh tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp). Đặc biệt chú ý đến các phương tiện sử dụng để vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, kém chất lượng từ tỉnh khác đến tỉnh Đắk Nông tiêu thụ.
Giao UBND các huyện, thành phố: Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo đúng quy định; Tăng cường theo dõi, giám sát đàn gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện dịch bệnh kịp thời; khi phát hiện gia cầm với các triệu chứng, bệnh tích nghi bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6) phối hợp với Chi cục Phát triển nông nghiệp kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh và tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; Bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm và người; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương; Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá để sẵn sàng phòng, chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm A(H5N1), A(H5N6) trên gia cầm và người, không để bệnh dịch lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người dân.
H.M