THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Hiệu quả từ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
Ngày đăng 06/02/2020 | 09:12  | View count: 71364

Trong khi giá cà phê, hồ tiêu liên tục xuống thấp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi sang một số loại cây trồng, mô hình kinh tế khác đạt hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính bước đầu mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng dưa lưới ở Đắk R’lấp.

Khởi nghiệp từ trồng dưa lưới trong nhà kính

Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 8, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) là Tổ trưởng THT, cũng là người khởi nghiệp đầu tiên với mô hình trồng dưa lưới này trong THT. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, anh còn chủ động học hỏi kinh nghiệm trồng trọt tại các khu ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh. Năm 2018, gia đình anh đã đầu tư 2 nhà kính trên hơn 2,5 sào đất để trồng dưa lưới. Bên trong nhà kính được thiết kế lối đi dễ dàng, trang bị hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống đo nhiệt, đo độ ẩm…

Dưa lưới được trồng trong nhà kính

Giống dưa được chọn trồng là dưa lưới xanh, ruột vàng, thời gian thu hoạch khoảng 70 ngày, có thể trồng 3-4 vụ/năm. Anh Tuấn có thể tự trồng cây giống đạt tỷ lệ sống cao từ hạt. Cây con được chăm sóc, nuôi dưỡng trong khay nuôi giống trước khi được tách vào các bầu đất. Trong quá trình sinh trưởng của cây, anh thường xuyên theo dõi, tỉa lá già úa, kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của cây để điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, anh còn tự tay thụ phấn cho cây đậu quả. Mỗi sào gia đình anh trồng từ 3.000 – 3.200 gốc dưa, mỗi dây nuôi 1 trái, cân nặng khi xuất bán từ 1 – 2,5 kg/trái.

Sản phẩm dưa lưới trong nhà kính của gia đình anh trở thành sản phẩm nông nghiệp sạch, được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Anh Tuấn cho biết, năm 2018 gia đình trồng được 3 vụ dưa, mỗi sào thu hoạch được hơn 4 tấn, với giá bán sỉ bán cho các thương lái từ bình quân 36.000 đồng/kg thì mỗi sào cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. 

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc dưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế

Theo anh Tuấn, dưa lưới là giống cây ăn quả ngắn ngày, giàu dinh dưỡng, hiện được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trồng dưa lưới trong hệ thống nhà kính giúp chắn mưa, nắng, trồng được trái mùa, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống nhà kính có thiết bị đo nhiệt độ, phun sương, tưới nhỏ giọt… giúp giảm công lao động và chi phí sản xuất. Giá thể gieo hạt có thể làm từ xơ dừa, phân hữu cơ, tro trấu… đã qua xử lý.

Dưa lưới được thu hoạch sau 3 tháng trồng

Mạnh dạn liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm

Sau khi quen biết, tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của anh Nguyễn Văn Tuấn, một số hộ dân ở địa phương cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng dưa lưới. Ban đầu, anh Tuấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới, giúp đỡ các hộ nông dân xây dựng nhà kính đạt tiêu chuẩn… Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh xây dựng mô hình và cân bằng chi phí đầu tư ban đầu tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình.

Dưa lưới được thu hoạch sau 3 tháng trồng

Cuối năm 2019, gia đình anh Trần Văn Phan ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) chuyển đổi 1.000 m2 đất cà phê già cỗi, hiệu quả thấp sang làm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính. Ban đầu, gia đình anh được hướng dẫn làm nhà kính và xuống giống vụ dưa lưới đầu tiên với tổng chi phí 300 triệu đồng. Hệ thống nhà kính cùng các thiết bị trồng trọt tiên tiến, khoa học mang lại nhiều lợi ích. Chi phí giống, nước tưới, phân bón… nằm khoảng 30 triệu đồng/sào/vụ.

Sau 3 tháng trồng, vườn dưa lưới của gia đình anh Phan cho thu hoạch năng suất cao, tổng sản lượng vụ dưa đầu tiên đạt khoảng 5 tấn. Dưa được xuất bán vào dịp tết với giá bình quân 35.000 – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vụ dưa đầu tiên đã mang lại lợi nhuận 150 triệu đồng. Dưa được thu hoạch xong, gia đình anh lại tiến hành dọn dẹp, xử lý đất, trồng vụ tiếp theo sau thời gian cách ly với vụ trước từ 20 – 30 ngày.

Các thành viên trong THT vui mừng khi thử dưa đạt được độ ngon ngọt cao trước khi thu hoạch

Nắm bắt thị trường và mong muốn của các hộ nông dân, anh Nguyễn Văn Tuấn đã không ngần ngại liên kết, thành lập THT trồng dưa lưới Đắk R'lấp. Hiện nay, tổ đã có 7 thành viên, tập trung chủ yếu tại xã Kiến Thành, Nghĩa Thắng, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp). Năm 2018, các thành viên thực hiện trồng dưa lưới trong nhà kính với tổng diện tích 9.000m2.

Ngay từ khi xuống giống, các thành viên đã kí hợp đồng cung cấp sản phẩm dưa lưới cho các thương lái trong và ngoài tỉnh nên bảo đảm giá cả đầu ra luôn ổn định. Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong THT thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau công chăm sóc, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho các thành viên.

Anh Lữ Chí Nhớ, thương lái thu mua dưa lưới ở TP.Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối thu mua sản phẩm từ các mô hình trồng dưa lưới ở miền Trung và Tây Nguyên. Anh thường xuyên kí hợp đồng với các thành viên của THT trồng dưa lưới Đắk R'lấp ngay trong tháng đầu tiên của vụ dưa. Dưa được chốt giá từ 32.000 – 38.000 đồng/kg tùy thuộc loại và thời vụ trồng dưa lưới. Đối với sản phẩm, anh thu mua quanh năm và phân phối tại các cửa hàng và chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh…

Các thương lái thu mua, đóng gói dưa ngay tại vườn

Đến thời điểm hiện nay, các thành viên trong Tổ hợp tác trồng dưa lưới Đắk R'lấp đã thành công, thu lợi nhuận cao từ mô hình. Sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/vụ/sào cho các thành viên THT.

Theo anh Tuấn, năm 2020, dự kiến THT sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 15.000m2, đa dạng hơn các giống dưa lưới như giống Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… Bên cạnh đó, THT cũng tiến hành nghiên cứu thêm các giống cây trồng mới trồng trong nhà kính và phù hợp nhu cầu thị trường, có hiệu quả kinh tế. Các thành viên THT cũng cho rằng, cần tính đến bước chuyển đổi, đa dạng thêm các loại rau, củ, quả khác để bảo đảm tính bền vững trong sản xuất.

Theo Báo Đắk Nông điện tử