THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Tại Đắk Nông, việc phát triển hồ tiêu thời gian qua chủ yếu chạy theo chiều rộng, phát triển "nóng" về diện tích mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng, ổn định năng suất.
Thống kê toàn tỉnh hiện có trên 32.700 ha hồ tiêu, năm 2018 sản lượng đạt 51.853 tấn. Diện tích hồ tiêu đã tăng hơn 3 lần so với định hướng quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh (quy hoạch là 10.000 ha).
Trang trại Duy Hùng, xã Đắk Ha (Đắk Glong) sản xuất 15 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu |
Năm 2018 là năm dịch bệnh trên hồ tiêu lớn nhất những năm gần đây. Thống kê thời kỳ cao điểm vào tháng 11/2018, toàn tỉnh có 2.698 ha hồ tiêu bị bệnh, trong đó 1.569 ha bị chết, chiếm 4,7% so với tổng diện tích. Những tháng đầu năm nay, tình hình dịch bệnh trên cây trồng này đã hạ nhiệt so với năm ngoái, diện tích tiêu nhiễm các bệnh khoảng 100 ha.
Để phát triển hồ tiêu bền vững, theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, tỉnh đang định hướng, khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học. Phát triển các vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững đáp ứng các nhu cầu về liên kết với doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm.
Qua thực tế nhiều mô hình ở các huyện, thị xã trong tỉnh cho thấy, việc phát triển theo hướng hữu cơ, sinh học vườn cây ít xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm bởi đất đai, môi trường được bảo vệ. Hơn thế, việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học sẽ giúp cho người trồng nâng cao được chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra mẫu của các vườn cây phát triển theo hướng hữu cơ, sinh học đều đạt và vượt các chỉ tiêu về hóa học, vi sinh vật, tạp chất, độ ẩm…
Với vai trò của mình, những năm qua, trong các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật, ngành chức năng đã đẩy mạnh việc tập huấn, xây dựng các mô hình về chương tình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Cấu thành nên IPM là hệ thống các biện pháp phòng ngừa về kiểm dịch thực vật, điều tra phát hiện các tác nhân lạ gây hại cây trồng và nông sản để có biện pháp bao vây tiêu diệt kịp thời. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh cũng đã có khoảng 8.000 ha tiêu được phát triển theo chương trình IPM, chiếm gần 1/4 diện tích hồ tiêu của tỉnh. Trong đó có 136,6 ha ứng dụng công nghệ cao trong tưới nước, bón phân…
Theo bà Lê Thị Kim Liên, thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), gia đình bà đang sản xuất 5 ha hồ tiêu theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, hữu cơ. Quy trình này đã giúp vườn cây của bà hạn chế được các đối tượng dịch hại, cây sinh trưởng và phát triển khỏe hơn, giảm tỷ lệ rụng trái. Chi phí đầu tư cho vườn cây cũng giảm so với cách sản xuất lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 5 - 20 triệu đồng/ha, nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng cao lên.
Không riêng gì bà Liên, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hộ nông dân chuyển sang sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học và đạt kết quả tốt. Mặc dù vậy, để mô hình sản xuất này trở nên phổ biến, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ đối với nông dân...
Theo Báo Đắk Nông điện tử