THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Thắt chặt, củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN
Ngày đăng 04/11/2019 | 09:54  | View count: 12503

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN...

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 2 - 4/11/2019.


Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 34

Năm 2019, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết dưới tinh thần chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững" với mục tiêu gia tăng tính bền vững trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, gắn kết các mục tiêu phát triển của ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng của ASEAN trước các biến động của tình hình, tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0...

Các ưu tiên cụ thể để triển khai Chủ đề của Năm 2019 gồm:

Về Chính trị-An ninh, nâng cao năng lực của ASEAN xử lý các thách thức an ninh như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh mạng; tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa, thúc đẩy hợp tác quản lý biên giới, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, an ninh bền vững....;

Về kinh tế, tập trung vào số hóa ASEAN, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, hoàn tất đàm phán RCEP, gắn kết các sáng kiến kết nối trong khu vực;

Về văn hóa-xã hội, thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân và đảm bảo an ninh con người thông qua các chương trình hợp tác về phúc lợi xã hội, ứng phó thiên tai khẩn cấp, thúc đẩy giáo dục suốt đời, đề cao bản sắc văn hóa ASEAN, gắn kết các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài khu vực…

Về quan hệ đối ngoại: ASEAN tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng với các đối tác, chủ động củng cố các cơ chế do ASEAN chủ trì, đóng góp tăng cường cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Các Đối tác tiếp tục bày tỏ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy kết nối, tôn trọng luật pháp quốc tế trong hợp tác ứng phó với các thách thức đối với an ninh, hòa bình khu vực.  Đến nay đã có 91 nước cử Đại sứ tại ASEAN và 53 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba đi vào hoạt động.

Bên cạnh những tiến triển trong hợp tác nội khối cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, vẫn còn những khó khăn, thách thức mà ASEAN phải đối mặt. Các điểm nóng (Biển Đông, người Rohingya ở Bang Rakhine...) tiếp tục thu hút sự can dự của bên ngoài vào khu vực, thử thách đoàn kết, thống nhất của ASEAN... Sự gia tăng cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn, một mặt tạo dư địa cho ASEAN, nhưng mặt khác, cũng đặt vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trước những thách thức mới. Liên kết kinh tế nội khối ASEAN còn lỏng lẻo, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP) còn khó khăn.

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần thắt chặt và củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác của ASEAN, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực; nâng cao hình ảnh Việt Nam tiếp tục đổi mới, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các nội dung hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.

Kể từ khi chính thức gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN. Việt Nam tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình mở rộng và hoàn tất ý tưởng ASEAN bao gồm 10 quốc gia ở Đông Nam Á. Việt Nam phối hợp cùng các nước thành viên xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của ASEAN như: Tầm nhìn ASEAN 2020 và Tầm nhìn ASEAN 2025; Chương trình hành động Hà Nội; Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II hình thành Cộng đồng ASEAN.. .Bên cạnh đó, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết, thống nhất trong ASEAN, xây dựng và phát huy giá trị các công cụ và cơ chế bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.…

Theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.

Tại Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam ngày 4/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu giới thiệu về chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020. Tại buổi Lễ, Logo năm ASEAN 2020 và video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam cũng sẽ được trình chiếu./.

Theo dangcongsan.vn

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 31
Tổng: 0