THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Anh hùng N’Trang Lơng, người con ưu tú của dân tộc M’Nông
Ngày đăng 17/12/2018 | 10:04  | View count: 71416

N'Trang Lơng sinh năm 1870 và mất năm 1935, tại bon Bu Par (Pu Pơ) thuộc khu vực suối Đắk Dưr, là người con ưu tú của dân tộc M'Nông, có phẩm chất và tài năng, đã dẫn dắt các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết, cùng khởi nghĩa chống thực dân Pháp kéo dài 23 năm (từ năm 1912 đến 1935), làm nên những chiến thắng vang dội, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn trên Tây Nguyên khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.

Phác thảo Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Internet
 

Vài nét về tiểu sử vị tù trưởng N'Trang Lơng

N'Trang Lơng tên thật là Lơng, sinh năm 1870, tại làng Bu par, dưới chân núi Drônh, thuộc khu vực suối Đắk Nha phía tây Bắc Cao nguyên M'Nông. Lớn lên, ông cư trú và là tù trưởng của làng Bu N'Trang, nay thuộc địa bàn xã Đắk R'tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Căn cứ sử liệu địa phương cho biết: N'Trang Lơng là người tài cao, đức rộng. Ông có nhiều nương rẫy lại biết tính toán làm ăn nên đến mùa thu được nhiều lúa, ngô; nuôi được nhiều trâu, bò, heo, gà...Vì vậy, N'Trang Lơng trở thành người giàu có nhất trong vùng, khắp cao nguyên M'Nông ai ai cũng biết. Ông được đánh giá là người bậc nhất trong bon bởi ngoài tài giỏi, giàu có, ông còn giàu lòng thương người, hướng dẫn đồng bào trong làng, ngoài bon những kinh nghiệm săn bắt, chăn nuôi, trồng trọt, sẵn sàng giúp đỡ nhiều người, nhiều bon nghèo khó khi hoạn nạn, mất mùa...

Mối thù và cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng

Sau khi xâm lược và bình định xong các tỉnh đồng bằng, trung châu, thực dân Pháp tiếp tục thăm dò, mở rộng địa bàn xâm lược lên Tây Nguyên. Những năm cuối thế kỷ XIX, thông qua những đoàn truyền giáo, thám hiểm, thực dân Pháp bắt đầu đưa quân viễn chinh lên xâm chiếm vùng đất màu mỡ và hoang sơ này để mở rộng và củng cố bộ máy thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thực dân Pháp đã nhiều lần tiến quân từ đồng bằng lên Cao nguyên M'Nông không thành vì gặp phải sự kháng cự quyết liệt của đồng bào bản địa, tháng 2-1914, Pháp tìm cách tiến vào trung tâm Cao nguyên M'Nông bằng con đường Campuchia sang và đã nhanh chóng xây dựng một cơ quan đầu não cai trị tại địa bàn bon Mu Méra do Henri Maitre – Trưởng phái bộ khảo sát Đông Cao Miên làm đồn trưởng (nhân dân địa phương thường gọi là đồn Bu Méra, vì được xây dựng ở bon Bu Méra; ngoài tên gọi này đồn còn có tên là Boi Maitre – đồn Mét vì Henri Maitre làm đồn trưởng).

Henri Maitre chọn đồn Bu Méra làm địa điểm đặt đại lí hành chính để áp đặt lên Cao nguyên M'Nông vì vùng đất đỏ bazan trù phú này có nhiều lâm sản quý, mỏ quặng, sông, suối, cung cấp nguồn tài nguyên vô tận. Mặt khác, Cao nguyên M'Nông là địa bàn nằm vắt trên đường ranh giới của ba xứ Trung kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên, được xem là nóc nhà Nam Đông Dương, thuận lợi cho việc bóc lột, khai thác kinh tế và đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào bản địa. Bên cạnh đó, địa bàn Bu Méra có vị trị chiến lược cơ động nhất ở Cao nguyên, nằm trên lưu vực suối Đắk Buk So (nay là địa bàn xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Từ Bu Méra có thể tiến hành các cuộc hành quân lên Bắc Cao nguyên và xuống vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bào S'tiêng, Mạ, K'ho… Địa bàn này cũng rất thuận lợi trong việc đi lại giữa hai lưu vực sông Đồng Nai và sông Bé. Với vị trí địa lý thuận lợi, đất đai màu mỡ, dân số tương đối đông, kinh tế khá giả, là cơ hội để cho chúng bắt bớ, thu nạp binh lính và vơ vét của cải của đồng bào ở vùng này. Điều này đã làm đụng chạm đến quyền lợi cũng như phong tục của các bộ lạc bản địa và đây chính là nguồn gốc của các cuộc nổi dậy của các bộ lạc Tây Nguyên chống thực dân Pháp do tù trưởng N'Trang Lơng đứng đầu.

Trong bối cảnh sự bất mãn của người dân đối với việc các thế lực thực dân can thiệp vào địa bàn và phong tục cổ xưa, cuối năm 1911, tù trưởng N'Trang Lơng kêu gọi dân làng nổi dậy chống lại các cuộc hành quân đóng đồn của người Pháp.

Nhận thấy các phong trào do người bản địa khởi xướng manh nha bùng phát mạnh và có thể lan rộng, người Pháp điên cuồng cho quân lính trấn áp quyết liệt. Họ liên tục cử lên nhiều toán binh lính đóng đồn. Những binh lính này, sẵn vũ khí trong tay và không bị ràng buộc bởi pháp luật hay đạo đức, đã có nhiều hành vi lộng hành tàn bạo. Thay vì giữ gìn trị an và tránh gây xung đột với người bản địa, họ liên tục tấn công các bộ lạc, cướp của, hãm hiếp, giết người ở những buôn làng người M'nông quanh vùng, gây nên thù hận với hầu hết các bộ tộc. Trong một trận cướp bóc tại làng Bu Rlam, vợ và con gái của thủ lĩnh N'Trang Lơng đã bị những kẻ cướp có vũ trang bắt giữ, sau đó chặt đứt chân, tay và để mặc cho đến chết.

Quá sức đau buồn và phẫn nộ, tù trưởng N'Trang Lơng tập hợp dân làng khởi nghĩa, chống lại các cuộc cướp phá do các binh lính thực dân Pháp thực hiện. Đầu năm 1914, cuộc khởi nghĩa của tù trưởng N'Trang Lơng lan rộng khắp vùng cao nguyên M'Nông và lôi kéo được nhiều tù trưởng tài giỏi khác như R'Dinh, R'Ong (tù trưởng của các buôn Bu Jeng Chet, Bu Me Ra, Bu Nốp... thuộc tổng Dar Rtik, nay là tỉnh Đắk Nông). Tin rằng mối thù của ông là do hậu quả của Henri Maitre gây ra, tù trưởng N'Trang Lơng quyết tâm giết bằng được Henri Maitre để trả mối hận bằng máu.

Trận phục kích Henri Maitre

Bấy giờ, Henri Maitre đã được thăng ngạch "Tham biện hạng nhất" trong hệ thống quan chức hành chánh thuộc địa và được cử trở lại Đông Dương. Henri Maitre lên ngay Cao nguyên và thành lập một đồn binh ở Pétsa. Đồn binh này do 20 binh lính trấn đóng, được thu nạp từ  người Khmer và Rađê, nằm trên địa bàn của người M'Nông trong khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của tù trưởng N'Trang Lơng. Ngoài ra, Henri Maitre còn thiết lập thêm một đồn binh nữa ở Bou Méra. Những đồn binh vũ trang đã ít nhiều làm kiềm giữ những hoạt động của quân khởi nghĩa. Đầu năm 1914, Henri Maitre được triệu hồi về Sài Gòn để chuẩn bị cuộc bầu cử Nghị viện Nam Kỳ. Ba tháng sau khi bầu cử xong, ông ta trở lại Đắk Lắk qua ngã cao nguyên Di Linh và được Sabatier - Công sứ Pháp tại Đắk Lắk đón tiếp trọng thị tại Buôn Ma Thuột. Sau đó, ông ta cùng với 12 binh lính người Rađê và 1 lính hầu người Việt, trên lưng năm con voi, đi về hướng Nam Tây Nguyên. Ông ta không thể ngờ rằng đây chính là chuyến đi cuối cùng của mình.

Henri Maitre không biết rằng các hành động bạo lực của mình không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa ông và từ trưởng N'Trang Lơng. Trong thời gian Henri Maitre về Sài Gòn, một kế hoạch mưu sát ông ta đã được chuẩn bị sẵn. Đầu tháng 8 năm 1914, tù trưởng N'Trang Lơng đã báo tin sẽ thương thuyết với Henri Maitre tại làng Bou Pou Sra. Hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức một "đại lễ hòa hợp" tại nơi đóng quân của Henri Maitre, trong một ngôi nhà gỗ kiên cố nhất làng.

Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1914, Henri Maitre với sự bảo vệ của 8 binh lính người Rađê và 1 lính hầu người Việt, đã tiếp các thủ lĩnh nghĩa quân. Các vũ khí đều được dựng thành đống ở góc nhà. Bất ngờ, tù trưởng N'Trang Lơng tiến lại gần đâm một mũi dao vào bụng Henri Maitre, đồng thời, 2 tù trưởng khác là R'Dinh và R'Ong cũng đâm 2 nhát dao vào lưng Henri Maitre. Trước khi tắt thở, Henri Maitre chỉ kịp kêu lên một tiếng "Ông...". Các nghĩa quân bên ngoài cũng nhanh chóng ập vào, tiêu diệt nhanh chóng số binh lính ít ỏi theo hộ vệ cho Henri Maitre (hiện nay di tích về mộ Henri Maitre còn dấu tích tại khu vực huyện Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông ngày nay).

Mối thù nhà của tù trưởng N' Trang Lơng được trả. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển, một loạt đồn của Pháp ở huyện Kracheh tỉnh Kratié Campuchia bị tấn công và triệt hạ. Quân khởi nghĩa dần kiểm soát lại được một địa bàn rộng hàng ngàn km2 và lập nên vùng căn cứ Nâm Nung.

Khúc bi tráng Tây Nguyên

Sau cái chết của Henri Maitre, người Pháp không vì thế mà chùng tay. Họ liên tục phái binh lính để đàn áp. Dù vậy, với ưu thế thông thuộc địa hình của các nghĩa quân, cộng với điều kiện tiếp vận khó khăn của quân Pháp, cuộc khởi nghĩa vẫn chống đỡ được thêm 10 năm kể từ sau cái chết của Henri Maitre. Người Pháp đành phải đổi chiến thuật. Một mặt họ liên tục mua chuộc và chia rẽ giữa các bộ tộc, mặt khác họ tập trung một binh lực lớn hơn với hậu cần đầy đủ để tấn công tiêu diệt.

Giữa tháng 5 năm 1935, quân Pháp tập trung lực lượng lớn, từ ba hướng Thủ Dầu Một đánh lên, từ Campuchia đánh sang, từ Đắk Lắk đánh xuống, tập trung tiến công đại bản doanh của nghĩa quân. Liên tục bị vây hãm, một số tù trưởng đầu hàng, một số khác tử trận hoặc bị bắt như R'Dinh, R'Ong. Lương thực, vũ khí, quân số của nghĩa quân tại vùng căn cứ Nâm Nung thiếu thốn nghiêm trọng. Quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt, như đồn Hăngrimét, đồn Boukok và nhiều căn cứ vệ tinh bao vây vùng căn cứ Nâm Nung, tiếp tục siết chặt vòng vây đối với nghĩa quân. Tháng 5 năm 1935, quân Pháp đã tập kích vào căn cứ. Trong một trận chiến đấu không cân sức, Tù trưởng N'Trang Lơng bị trọng thương và tử thương đêm 23 tháng 5 năm 1935, tại Bu Par, ít ngày sau khi ông bị thực dân Pháp bắn bị thương nặng trong trận chiến cuối cùng tại làng này. Cuộc khởi nghĩa kết thúc. Dù vậy, cuộc kháng chiến của người M' Nông dưới sự lãnh đạo của N'trang Lơng là một trang sử chói lọi lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

N'Trang Lơng - danh nhân lịch sử

Năm 1964, tại Hà Nội, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể với những nghi thức cấp quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bu Méra (7/1914 – 7/1964) để tôn vinh ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng. Tại tỉnh Đắk Nông, Thường trực Tỉnh ủy có Thông báo số 543-TB/TU ngày 11/7/2007 và UBND tỉnh có Công văn số 1629/UBND-VX ngày 30/7/2007 về việc thống nhất tên gọi danh nhân lịch sử N'Trang Lơng. Năm 2012, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa N'Trang Lơng với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có việc xúc tiến xây dựng Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng tại thị xã Gia Nghĩa.

Năm học 2009-2010 (sau 5 năm trường Phổ thông DTNT tỉnh Đắk Nông được thành lập), nhà trường được UBND tỉnh Đắk Nông quyết định đổi tên trường là Trường THPT DTNT N'Trang Lơng, tỉnh Đắk Nông. Cũng tại đây, nhân Kỷ niệm 10 năm thành lập trường, nhà trường khởi công xây dựng và khánh thành tượng đài N'Trang Lơng đặt tại hoa viên của trường để giáo dục về tinh thần yêu nước, lòng yêu mến, tự hào về người anh hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Ngoài ra, tên của ông được đặt cho một con đường khá lớn tại phường 7, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngọc Linh

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 4
Tổng: 0