AN NINH - QUỐC PHÒNG

Một số vấn đề về xác lập và bảo vệ các quyền hợp pháp của quốc gia trong Biển Đông
Ngày đăng 29/11/2019 | 08:08  | View count: 52524

Để bảo đảm tính chính xác, không gây hiểu nhầm, tránh bị lợi dụng trong việc thông tin về những vấn đề liên quan đến các vùng biển, thềm lục địa, các hải đảo, quần đảo của Việt Nam trong Biển Đông, trước hết, chúng ta cần nắm vững những nội dung cơ bản về phạm vi và quy chế pháp lý của chúng, cũng như quá trình xác lập, bảo vệ, quản lý các vùng lãnh thổ đó. Vì vậy, xin được lần lượt giới thiệu các nội dung thiết yếu như sau:

Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được xác lập theo nguyên tắc pháp lý nào?

Khi xem xét quyền thụ đắc lãnh thổ của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp hay bất đồng về chủ quyền quốc gia, thông thường người ta phải so sánh, đánh giá các nguyên tắc pháp lý được thể hiện trong lập trường của các bên liên quan.

Nguyên tắc "Chiếm hữu thật sự":

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc "chiếm hữu thực sự" trong luật pháp quốc tế bao gồm:

- Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

- Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp.

- Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

- Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Gần đây hơn, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện với Indonesia vào tháng 12/2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước. Tuy nhiên, những định chế nói trên cũng không thể giải quyết được những mâu thuẫn, cạnh tranh, tranh chấp giữa các quốc gia, nhất là trong công cuộc tìm kiếm thị trường cung cấp và tiêu thụ hàng hóa của nền sản xuất tư bản phát triển. Vì thế, những cuộc chiến tranh, xung đột vẫn diễn ra trên những quy mô và mức độ khác nhau: Đại chiến thế giới thứ 1, Đại chiến thế giới lần thứ 2, chiến tranh lạnh, tranh chấp biên giới lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo…

Để ngăn chặn những hiểm họa chiến tranh do những tham vọng bá chủ thiên hạ, xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được ký ngày 26/6/1945 ở thành phố San Francisco và có hiệu lực từ ngày 24/10/1945. Với sự ra đời của Hiến chương Liên Hợp Quốc có thể nói đã trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế cao nhất để bảo vệ sự tồn tại của các quốc gia, với tư cách là các thực thể trong quan hệ quốc tế thời hiện đại.

Về nguyên tắc, nó là vũ khí được sử dụng để vô hiệu hóa các phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng sức mạnh đã tồn tại trong các thời kỳ lịch sử trước đây. Đấy chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao mãi đến đầu thế kỷ 20, quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia là hành động hợp pháp và đấy cũng chính là nội dung trả lời câu hỏi vì sao trong Hiến chương Liên Hợp Quốc lại có điều khoản "Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào".

Nhà giàn DK1 trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác lập theo nguyên tắc "chiếm hữu thật sự"

Nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam đã dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông là nguyên tắc "chiếm hữu thật sự".

Bởi vì, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở 2 quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của Công pháp quốc tế.

Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này qua các thời kỳ lịch sử.

Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, Nhà nước Đại Việt đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đội Hoàng Sa, một tổ chức do Nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, không gặp phải bất kỳ sự tranh chấp, phản kháng nào.

Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với 2 quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là Phủ khi thì Trấn: "Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa" (Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); "Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh" (Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Kế tiếp thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại.

Đến là thời kỳ Việt Nam tạm thời chia 2 miền Nam Bắc, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên các chính thể ở miền nam Việt Nam, với tư cách là những thực thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1954 đến 1975. Các chính thể miền Nam Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Từ ngày 13-28/4/1975, các lực lượng Quân giải phóng nhân dân Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.

Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng nguyên tắc "chủ quyền lịch sử" là vô giá trị, nếu không muốn nói đó là quan điểm rất nguy hại, gây bất ổn cho sự tồn tại hiện thời, hợp pháp của các quốc gia trên thế giới. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử thì nhiều quốc gia sẽ không còn tồn tại như hiện nay, kể cả nước Trung Hoa. Có thể nói đó chỉ là biến tướng của tư tưởng dân tộc cực đoan, bất chấp luật pháp và thực tiễn quốc tế để thực hiện tham vọng bành trướng bá quyền, nước lớn.

Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Xác lập các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo UNCLOS 1982 và luật Biển Việt Nam

Luật Biển quốc tế đang có hiệu lực hiện nay là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (tiếng Anh: The United Nations Convention on the Law of the Sea, viết tắt là UNCLOS 1982). Văn bản của Công ước này được thể hiện bằng các ngôn ngữ Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha.

Năm 1973, Liên Hợp Quốc triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 để thảo luận và thông qua Công ước Luật Biển mới.

Sau 5 năm trù bị (1967-1972) và qua 9 năm thương lượng (1973-1982), trải qua 11 khóa họp, ngày 30/4/1982, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua được một Công ước mới, gọi là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, với tỷ lệ 130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu. Sau đó, ngày 10/12/1982, tại Montego Bay (Jamaica), 118 đoàn đại biểu quốc gia đã chính thức ký Công ước. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó, năm 1982, cùng 117 nước khác ký kết Công ước tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23/6/1994, Việt Nam đã phê chuẩn và chính thức trở thành thành viên chính thức của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Công ước được xây dựng theo nguyên tắc "cả gói", bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển. Công ước bao gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục, 4 nghị quyết kèm theo, chứa đựng 1.000 quy phạm pháp luật quốc tế. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp, toàn diện, bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới; trong đó, quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi không gian của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học và công nghệ… trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Cụ thể là:

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải

Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải (gọi tắt là Đường cơ sở) là căn cứ để xác định chiều rộng và giới hạn phạm vi của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế (thường gọi là vùng đặc quyền kinh tế), thềm lục địa.

Điều 7, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đã quy định phương pháp thiết lập đường cơ sở như sau:

- Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu hay lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

- Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn theo ngấn nước triều thấp nhất nhô ra xa nhất và ngay cả trong trường hợp về sau, ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.

- Tuyến đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn liền với đất liền đủ đến mức được đặt dưới chế độ nội thủy.

- Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.

- Trong trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản 1, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.

- Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế.

Điều 8, luật Biển Việt Nam quy định: "Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn". Theo quy định này thì Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12/11/1982 vẫn còn hiệu lực. Theo đó, "đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gẫy khúc nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này".

Thực hiện Điều 8 của luật Biển Việt Nam, thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục công bố bổ sung một số đoạn đường cơ sở thẳng còn thiếu hoặc chưa phù hợp.

Chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nội thủy

Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 quy định: "Các vùng nước ở phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải là nội thủy của quốc gia ven biển" (Điều 8). Theo định nghĩa này, nội thủy bao gồm cửa sông, vũng, vịnh, cảng biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển; vùng nước lịch sử cũng theo chế độ nội thủy. Nội thủy được coi như là bộ phận lãnh thổ trên đất liền của quốc gia ven biển. Điều đáng lưu ý là khi một đường cơ sở thẳng được vạch ra theo đúng phương pháp mà gộp vào nội thủy các vùng nước trước đó chưa được coi là nội thủy thì quyền đi qua không gây hại nói trong Công ước vẫn được áp dụng ở các vùng nước đó.

Điều 9 và 10 của luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định Nội thủy của Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở, và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Lãnh hải

Theo luật Biển quốc tế hiện đại, "vùng nước lãnh thổ" được gọi là "Lãnh hải" (Territorial Sea, Territorial Water), không gọi là "Hải phận" hay "Vùng biển" chung chung. Nó là một vùng biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc Nội thủy của quốc gia ven biển, có một bề rộng nhất định được đo tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển đó.

Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó.

Đối với các đảo riêng lẻ hay nằm trong một quần đảo không phải là quốc gia quần đảo, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn được quy định tại Điều 121, Công ước Luật Biển 1982, thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia này, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.

Chiều rộng lãnh hải do quốc gia ven biển tự xác định không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở theo đúng các tiêu chuẩn chung do Công ước Luật Biển 1982 quy định.

Khi gọi "Vùng biển Việt Nam" nên hiểu đó là tên gọi chung cho cả nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Khi gọi "Lãnh hải Việt Nam" nên hiểu đó là tên gọi của một vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Vùng tiếp giáp lãnh hải

Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 đã quy định rằng: Một vùng biển ở ngoài và tiếp liền với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng tiếp giáp lãnh hải không thể mở rộng quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Như vậy, vùng tiếp giáp lãnh hải theo định nghĩa của Công ước Luật Biển 1982 có chiều rộng là 12 hải lý.   

Điều 13, luật Biển Việt Nam quy định: "Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải".

Vùng đặc quyền về kinh tế

Vùng đặc quyền kinh tế lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước Luật Biển 1982. Đây là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của Công ước Luật Biển 1982. Điều 57, Công ước Luật Biển 1982 quy định chiều rộng Vùng đặc quyền kinh tế "không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở của lãnh hải".

Phù hợp với quy định của Công ước 1982, Luật Biển Việt Nam quy định cụ thể: Vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ cơ sở. Theo đó, chiều rộng thật sự của vùng đặc quyền về kinh tế là 188 hải lý, nếu chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển xác định là 12 hải lý. Phạm vi không gian của vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật Biển còn được mở rộng tới đáy và lòng đất dưới đáy và lên vùng trời tương ứng với phần nước biển của vùng đặc quyền về kinh tế.

Thềm lục địa

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã định nghĩa Thềm lục địa pháp lý như sau: "Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn" (Điều 76). Như vậy, thềm lục địa pháp lý theo định nghĩa này bao gồm toàn bộ rìa lục địa (thềm lục địa tự nhiên, dốc lục địa và bờ ngoài của rìa lục địa). Ở nơi nào rìa lục địa không ra đến 200 hải lý thì thềm lục địa pháp lý được mở rộng ra đến 200 hải lý. Ở nơi nào rìa lục địa vượt quá 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa được xác định bằng cách nối các điểm ở nơi mà bề dày trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ các điểm đó đến chân dốc lục địa, hoặc nối các điểm cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý. Tuy nhiên, dù được xác định như trên, giới hạn tối đa của Thềm lục địa cũng không được vượt quá 350 hải lý hay không được cách đường đẳng sâu 2.500m quá 100 hải lý.

Đối với các đảo xa bờ của quốc gia ven biển, nếu thích hợp cho con người sinh sống và có đời kinh tế riêng, thì mới có vùng thềm lục địa riêng của các đảo đó.

Tàu Cảnh sát biển 8001 làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các thực thể địa lý thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Đây là một nội dung có liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể địa lý (đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm, rạn san hô) ở giữa Biển Đông. Mặc dù UNCLOS 1982 và các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài 2016, đã quy định và phân tích, xác định rất rõ về hiệu lực của chúng, nhưng trong thực tế việc giải thích và áp dụng vẫn còn là vấn đề, hoặc là sai trái hoặc còn để ngỏ. Vì vậy, chúng ta cần phải lưu ý những nội dung sau đây:

Vấn đề thiết lập đường cơ sở của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông.

Phần IV, Điều 46, UNCLOS 1982, đã định nghĩa:

"Quốc gia quần đảo" (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa.

"Quần đảo" (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất dưới đáy của lãnh hải. Mọi hoạt động của tự nhiên nhân hay pháp nhân của quốc gia khác, cũng như các phương tiện hoạt động trên biển của họ ở trong nội thủy, lãnh hải của quốc gia ven biển, mà không tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển, cũng như luật pháp quốc tế hiện hành, đều bị coi là hành động xâm phạm biên giới, lãnh thổ biển của quốc gia ven biển; quốc gia ven biển có quyền sử dụng mọi biện pháp, kể cả biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong phạm vi nội thủy và lãnh hải được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS 1982.

Trong Biển Đông, ngoài việc thực thi và bảo vệ chủ quyền ở vùng nội thủy, lãnh hải mà phạm vi của chúng được tính từ hệ thống đường cơ sở thẳng theo Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam năm 1982, Việt Nam còn thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với các đảo, quần đảo trong Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp và hiện nay họ đang chiếm đóng bất hợp pháp hoàn toàn; quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực đã nhảy vào tranh chấp và đang chiếm đóng một số thực thể thuộc quần đảo này.

Quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia

Quyền chủ quyền là quyền riêng biệt của quốc gia được thực thi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đây là quyền có nguồn gốc chủ quyền, mang tính chất chủ quyền.

Quyền tài phán là hệ quả của chủ quyền và quyền chủ quyền, có tác dụng bổ trợ tạo ra môi trường để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền. Như vậy, quyền tài phán gắn bó chặt chẽ với lãnh thổ quốc gia. Tuy vậy, quyền tài phán cũng có thể thực thi ở nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền. Chẳng hạn, quyền tài phán có thể được áp dụng trên tàu thuyền, phương tiện treo cờ của quốc gia đó khi chúng đang hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác. Quyền tài phán theo nghĩa rộng bao gồm:

- Thẩm quyền đưa ra các quyết định, quy phạm;

- Thẩm quyền giám sát việc thực hiện;

- Thẩm quyền xét xử của tòa án đối với một lĩnh vực cụ thể; theo nghĩa hẹp đó là thẩm quyền pháp định của tòa án khi xét xử một người hay một việc.

Khi thực hiện các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình, quốc gia ven biển có nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác, không được có hành vi cản trở quyền tự do hàng hải và tự do hàng không của tàu thuyền và các phương tiện bay, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn dầu ngầm; không được có hành vi phân biệt đối xử trong việc các quốc gia khác thực hiện các quyền được UNCLOS 1982 quy định.

Theo Báo Đắk Nông điện tử

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 3
Tổng: 0