AN NINH - QUỐC PHÒNG

Hỗ trợ huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn
Ngày đăng 23/12/2022 | 10:45  | View count: 58729

Thực hiện Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 797/KH-UBND về việc triển khai hỗ trợ huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.

Thời gian triển khai thực hiện kế hoạch trong 2 năm: 2023-2024 và hỗ trợ trên phạm vi toàn huyện Đắk Glong phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu đến năm 2025, cụ thể:

- Chỉ tiêu của tỉnh: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 3% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

- Chỉ tiêu của huyện Đắk Glong:

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35,00% cuối năm 2025.

Phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Đắk Glong giảm từ 6/7 xã thuộc xã vùng III, với tỷ lệ 85,71% theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xuống còn 4/7 xã, chiếm tỷ lệ 57,14%.

Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong từ 1,8 lần so với năm 2020. Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Triển khai chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.

Theo kế hoạch, sẽ triển khai một số nội dung hỗ trợ trực tiếp như: Dự án Đường giao thông liên xã Quảng Khê (thôn 7) - xã Đắk Plao; Dự án Nâng cấp, sửa chữa đường liên xã Quảng Sơn - xã Đắk R'Măng (đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn); Dự án Nâng cấp hạng mục vỉa hè, điện chiếu sáng tuyến đường xã Quảng Khê kết nối Quốc lộ 28 đi xã Đắk Som (đoạn qua xã Quảng Khê); Dự án Nâng cấp, sửa chữa các trục đường liên xã Quảng Sơn nối đường liên xã Quảng Sơn - Đắ R'Măng (Đoạn qua trung tâm xã Quảng Sơn).

Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ ưu tiên lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 triển khai thực hiện trên địa bàn huyện các nội dung: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện; giảm nghèo về thông tin; truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo; phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; bảo đảm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững. Thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đảm bảo Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật.

Thực hiện lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác trong tỉnh cho công tác giảm nghèo bền vững.

Triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn: Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và đô thị theo hướng hiện đại. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; mời gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Tập trung tuyên truyền, vận động, làm cho người nghèo tự ý thức, xác định quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Dự kiến đến năm 2025, huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%, từ 39,99% cuối năm 2021 xuống còn dưới 10% cuối năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35,00% cuối năm 2025.

Sau khi các công trình giao thông nâng cấp, duy tu được hoàn thành sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi cho 74.180 nhân khẩu sống trực tiếp trên địa bàn huyện có nhu cầu lưu thông qua các tuyến giao thông được xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất hàng hóa từ những sản phẩm nông sản của các hộ dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã có tuyến đường được nâng cấp sửa chữa, tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng người dân và của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong, thu nhập bình quân tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đặc biệt thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người dân trên địa bàn huyện và bằng mức thu nhập bình quân chung của người dân trên địa bàn tỉnh. Giao thông được nâng cấp, tu sửa lưu thông thuận tiện là điều kiện lớn để thay đổi về văn hóa giáo dục trên địa bàn huyện.

Tổng kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch: 105.662 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương: 96.056 triệu đồng; ngân sách đối ứng địa phương: 9.606 triệu đồng.

UBND tỉnh giao cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tập trung lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn huyện nghèo để triển khai, thực hiện kế hoạch có hiệu quả.

Xem Kế hoạch chi tiết tại đây.

 

Thảo Diệp

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 6
Tổng: 0