TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kế hoạch Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 trên địa bàn tỉnh
22/03/2019 | 14:25  | View count: 26397

Căn cứ Kế hoạch số 210/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 04/3/2019 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2019; Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương; Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-BCĐ triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2019 (gọi tắt là Tháng hành động) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ đề tháng hành động là: "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"

Mục đích của Kế hoạch: Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Tháng hành động diễn ra từ ngày 15/4/2019 đến 15/5/2019 trên địa bàn toàn tỉnh, với các hoạt động: Tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm"; Triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm; Hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành; Tổng kết, báo cáo.

Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, "Tháng hành động" năm 2019 còn là điểm nhấn trong năm, tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xem chi tiết tại đây

H.M