TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kết quả 15 năm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
11/12/2018 | 15:58  | View count: 7868

Đồng bào các dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt". Do đó, mọi chính sách về dân tộc thiểu số là một bộ phận rất quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước ta, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Thực hiện chính sách dân tộc phải gắn với kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng của đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc đã quán triệt những nguyên tắc thực hiện chính sách dân tộc đó là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…".

Đây là những nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội nói chung và chính sách dân tộc nói riêng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân,  nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số còn ở trình độ sản xuất và đời sống thấp, xây dựng, phát triển quan hệ dân tộc tốt đẹp và đấu tranh chống lại các thế lực phản động có âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại việc thực hiện chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong thời gian qua, với đặc thù là một tỉnh khu vực Tây Nguyên có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, (trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có trên 202.074 người, chiếm hơn 31% tổng dân số toàn tỉnh), cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc trong đó có chính sách về công tác kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác kết nghĩa, giúp đỡ giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, các doanh nghiệp và lực lượng vũ trang với các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức các ngành, các cấp và hộ gia đình người Kinh tiếp xúc, gần gũi, chia sẻ trách nhiệm với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện Quyết định số 67/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh ban hành về quy chế kết nghĩa bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, toàn tỉnh đã có 90 cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với 80 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trong công tác tuyên truyền, đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động quần chúng Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", tuyệt đối không để đồng bào nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, đồng bào đã thay đổi dần tập quán canh tác chuyển từ du canh, du cư, canh tác "chọc, tỉa" sang sản xuất hàng hóa. Tại các bon, buôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, trang trại tổng hợp hiệu quả. Ở các địa phương xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi. Tình trạng nhà tranh tre, dột nát cơ bản đã được xóa bỏ, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã huy động ngày công, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đồng bào tại các bon, buôn, như đường giao thông, đầu tư xây dựng mới và sửa chữa công trình nước sinh hoạt, xây dựng mới và sửa chữa nhà cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, làm cầu dân sinh, xây dựng cầu cống, nạo vét, tu sửa kênh mương thủy lợi phục vụ đồng bào sinh hoạt, sản xuất và lưu thông phát triển kinh tế. Đến nay 100% bon, buôn có từ 1 - 2 km đường nhựa hoặc bê tông; 100% bon, buôn có điện lưới quốc gia; 100% bon buôn có nhà văn hóa cộng đồng; cơ sở vật chất trường học đã được đảm bảo; đã huy động gần 50 tỷ đồng và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, áo quần, chăn màn,… từ các nguồn khác để hỗ trợ cho đồng bào nhân dịp lễ, tết. Cùng với đó, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại Buôn, bon tiếp tục được kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững. Qua công tác kết nghĩa đã góp phần nắm bắt kịp thời tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xóa điểm nóng chính trị - xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi được âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, ngăn chặn tình trạng lôi kéo người vượt biên trái phép.

Nhìn chung, sau 15 năm tổ chức thực hiện công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiếu số trên địa bàn toàn tỉnh khẳng định chủ trương đúng đắn và kịp thời của Tỉnh ủy. Cùng với sự chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa đã khắc phục những khó khăn, huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện nội dung, chương trình kết nghĩa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị và thực tế của các Bon, buôn, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại cho các bon, buôn một diện mạo mới về mọi mặt trong đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Việc thực hiện nội dung, chương tình công tác kết nghĩa ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức: tập trung hoạt động tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết mà chưa tổ chức tuyên truyền, định hướng giúp đỡ bà con về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với điều kiện thực tế và khai thác thế mạnh của từng bon, buôn; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của bon, buôn…Một số bon, buôn chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của công tác kết nghĩa, có nơi vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xem công tác kết nghĩa là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được tỉnh phân công dẫn đến hiệu quả công tác kết nghĩa chưa cao; có nơi còn tư tưởng so bì, tỵ nạnh giữa các Thôn, Bản với bon, buôn đồng bào dân tộc thiếu số trong các dịp lễ, tết khi được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ kinh phí, thăm hỏi tặng quà, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan, nhưng trước hết phải kể đến một số nguyên nhân đó là: Các cá nhân, đơn vị, đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về công tác kết nghĩa chưa đầy đủ, chưa xây dựng và bám sát nội dung, chương trình kết nghĩa theo Quy chế đã được UBND tỉnh ban hành; trình độ và năng lực của cấp ủy, ban tự quản và Mặt trận, các đoàn thể ở bon, buôn còn hạn chế; công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chưa được rõ ràng, chưa chặt chẽ và hợp lý…

Để nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang đối với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong thời tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong công tác kết. Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải xem công tác kết nghĩa là nhiệm vụ chính trị quan trọng và được lãnh đạo bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch trên nguyên tắc dân chủ, công khai, đúng pháp luật, đạt hiệu quả thiết thực, bền vững; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự nguyện, tự lực, hợp tác, hỗ trợ, đầu tư cùng nhau khai thác tiềm năng, lợi thế, chia sẽ lợi ích, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển; tổ chức thực hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác kết nghĩa; giúp đỡ, tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những nơi đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, những hộ nghèo, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận và áp dụng kiến thức, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hai là, thực hiện tốt công tác tham mưu và phối hợp của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện nội dung kết bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ nội dung kết nghĩa (bao gồm: Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội; hỗ trợ vận động tuyên truyền; hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; hỗ trợ về an sinh xã hội; hỗ trợ giúp đỡ khác), các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; huyện, thị xã, được phân công nhận kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, chủ động kế hoạch tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của công tác kết nghĩa; phân công, phân nhiệm cho người hoặc bộ phận thường trực, theo dõi tham mưu công tác kết nghĩa; phối hợp với địa phương được nhận kết nghĩa khảo sát thực trạng, xác định nhu cầu, khả năng nguồn lực...xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung kết nghĩa sao cho phù hợp điều kiện đơn vị và hiệu quả nhất. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; huyện, thị xã, được phân công nhận kết nghĩa cần có sự phối hợp nhịp nhàng, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận ủng hộ của đồng bào, các bon Buôn trong quá thực hiện các nội dung kết nghĩa.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, tổng kết công tác kết nghĩa, qua đó kịp thời biểu dương những gương tốt, việc tốt, các mô hình hay, cách làm ăn có hiệu quả của cá nhân cũng như của tập thể trong công tác kết nghĩa. Cần có cơ chế, chính sách và xây dựng những tiêu chí cụ thể, rõ ràng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc cũng như các cá nhân, tập thể không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác kết nghĩa, tránh tình trạng hình thức, thiếu nghiêm túc trong việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết tổng kết đối với bon, buôn kết nghĩa.

Các cấp, ngành, cơ quan đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, một mặt, sẽ nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; mặt khác, sẽ xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh nông thôn và phát huy duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Võ Thị Lý