TIN TỨC - SỰ KIỆN

Giới thiệu một số nội dung mới quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015
13/11/2017 | 16:09  | View count: 3277

Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 (gọi tắt là Luật sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 08/2017/L-CTN, ngày 03/7/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Luật này sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 139 điều; ban hành mới 01 điều (Điều 217a: Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp); bãi bỏ 01 điều (Điều 292. Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông); sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật (bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy) đối với 63 điều. Trong đó, Luật sửa đổi có một số nội dung mới quan trọng sau:

1. Về phân loại tội phạm (Điều 9):

 Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội và phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại là quy định mới của Luật sửa đổi. Luật bổ sung thêm Khoản 2 vào Điều 9 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (gọi tắt là BLHS 2015) quy định phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại theo hướng viện dẫn cách phân loại đối với cá nhân phạm tội, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do cá nhân thực hiện để quy định tương ứng hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại. Cách quy định này là cơ bản phù hợp trong điều kiện lần đầu tiên BLHS quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội thành 04 loại tương ứng với phân loại tội phạm đối với cá nhân còn là căn cứ xác định các loại thời hiệu, thời hạn, thẩm quyền… trong tố tụng hình sự.

2. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015, đó là: Tội giết người (Điều 123); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội hiếp dâm (Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội mua bán người (Điều 150); Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151); Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cưới giật tài sản (Điều 171); Tội trộm cắp tài sản (Điều 173); Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178); Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); Tội đua xe trái phép (Điều 266); Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 288); Tội xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 289); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); Tội khủng bố (Điều 299); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303) và Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 304).

Xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ có lợi cho người chưa thành niên phạm tội và chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể nêu trên nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 14 BLHS 2015 đối với 02 tội danh đó là: Tội giết người (Điều 123) và Tội cướp tài sản (Điều 168).

3. Không tố giác tội phạm (Điều 19)

Người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) của BLHS 2015 hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Người không tố giác tội phạm là người bào chữa chỉ chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

4. Về xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71)

Luật sửa đổi quy định chi tiết hơn về thời gian xóa án tích theo hướng rút ngắn thời gian được xóa án tích, cụ thể là:

"Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng hưởng án treo;

b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung".

5. Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do pháp nhân thương mại gây ra, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Đây cũng điểm rất mới của BLHS.

Luật sửa đổi mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). BLHS năm 2015 không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 2 tội danh này là chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của nước ta trong các công ước như Công ước của Liên hợp quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần; Công ước của Liên hợp quốc năm 1999 về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố; Công ước của Liên hợp quốc năm 2000 về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…, có thể dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế – xã hội. Vì vậy, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền.

6. Về bổ sung Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a)

Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi tội kinh doanh trái phép của BLHS 1999 đã được cụ thể hóa bằng các điều luật khác như Điều 227, 232, 234…trong BLHS 2015.

Vì vậy, Luật đã bổ sung Điều 217a – Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Điều 217a chỉ xử lý hình sự các trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép và đã quy định loại trừ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290). Quy định này là rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, do tội danh này chỉ điều chỉnh hành vi vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nên hình phạt đến năm năm tù là tương xứng.

7. Về mức khởi điểm để xử lý hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với nước thải:

Luật đã sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 235 của BLHS 2015 theo hướng quy định hạ mức định lượng xuống còn từ 500 mét khối (m3)/ngày đến dưới 5.000 mét khối (m3)/ngày (trước đây quy định là dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày) nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến 10 lần hoặc từ 300 mét khối (m3)/ngày đến dưới 500 mét khối (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia 10 lần trở lên. Đồng thời, trong một số trường hợp (điểm c, khoản 1, điều 235 của Luật sửa đổi) lượng nước thải hoặc số lần vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường dưới các mức định lượng như trên thì phải gắn với điều kiện đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới xử lý hình sự.

Điều 235 sửa đổi, bổ sung đã chuyển đổi cách tính từ số lần sang cách tính theo tổng liều và suất liều với đơn vị tính là milisivơ và cân nhắc kỹ mức định lượng khởi điểm để xử lý hình sự. Cụ thể, nếu xả ra môi trường nước thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ nếu vượt giá trị giới hạn liều từ 50 milisivơ/năm hoặc giới hạn suất liều từ 0,0025 milisivơ/giờ thì sẽ bị xử lý hình sự.

8. Về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317 của BLHS năm 2015)

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi là quy định xử lý hình sự với các hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm. Luật sửa đổi đã lựa chọn hình sự hóa một số hành vi cấm trong sản xuất thực phẩm mang tính phổ biến có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người hoặc hành vi nhập khẩu, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhằm tránh xử lý hình sự quá rộng, dễ lạm dụng xử lý tràn lan nhưng cũng bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.

Việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ. Theo đó, Điều 317 của Luật sửa đổi đã điều chỉnh theo hướng định lượng cụ thể các trường hợp xử lý hình sự và bổ sung một số hành vi vi phạm của tội này.

Nguyễn Văn Khánh