Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Hai vườn sầu riêng kiểu mẫu ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), đều nằm trên mái đồi thoai thoải dốc, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. UBND xã Đức Mạnh đang xây dựng hai vườn sầu riêng này thành mô hình sản xuất kiểu mẫu, đưa vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Những ngày này, chị Mai Thị Ngọc Yến, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, đang tập trung chăm sóc vườn sầu riêng. Hiện chị đang thuê nhân công neo cành, dù sầu riêng mới có quả hơn 1 tháng nay. Chị Yến cho biết, phải neo sớm vì nhiều cành trĩu quả đã bị sệ xuống, dễ bị gãy. Vườn sầu riêng của gia đình chị đang cho thu hoạch năm thứ 7, sản xuất theo quy trình hữu cơ, sinh học.
Vườn sầu riêng của gia đình chị Yến đang phát triển tốt, trái đều, đẹp |
Chị Yến cho biết, năm 2013, gia đình chị đã trồng xen 500 cây sầu riêng giống Ri6 trong rẫy cà phê 3 ha. Khi sầu riêng được 3 năm tuổi, chị quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích cà phê để tập trung chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ. Chị Yến tâm sự: "Thấy trồng cà phê giá cả bấp bênh, tốn nhiều công chăm sóc, nên gia đình tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Để vừa chuyển đổi, vừa có thu nhập, giảm thiểu rủi ro, tôi trồng xen sầu riêng với cà phê. Khi sầu riêng gần cho thu hoạch tôi mới tiến hành nhổ bỏ cà phê".
Để giữ độ ẩm cho sầu riêng, chị Yến còn trồng cỏ mật trên rẫy. Nhờ đó, vườn sầu riêng của chị luôn phát triển tốt, không bị thiếu nước. Trong chăm sóc sầu riêng, để quả không bị rụng thì phải có cách lựa quả hợp lý, và từ đó sẽ quyết định đến vụ mùa hiệu quả hay thất bại.
Chị Yến trồng cỏ trai để giữ ẩm cho đất |
Theo chị Yến, sầu riêng Ri6 có 2 lần rụng quả sinh lý. Vì thế, người trồng loại sầu riêng này phải tính toán đến việc quả rụng, nhưng không ảnh hưởng đến việc tuyển quả cho mỗi cây. Thời kỳ sầu riêng rụng quả sinh lý, phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây có thể giữ quả, tránh bị rụng nhiều. Sầu riêng là loại cây khó tính, để có thể cho hiệu quả cao, nông dân phải trồng thuần để áp dụng khoa học kỹ thuật và có cách chăm sóc, bón phân phù hợp theo từng giai đoạn và theo thời tiết.
Theo tính toán của chị Mai Thị Ngọc Yến, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, hiện nay vườn sầu riêng của gia đình chị đã cho quả được hơn 1 tháng, nên cây đã qua thời kỳ rụng quả sinh lý. Do đó, gia đình chị sẽ tiến hành tuyển lựa những quả đẹp để giữ lại và chăm sóc đến khi thu hoạch. Mỗi cây sầu riêng, chị ước tính khi thu hoạch sẽ được khoảng 50 quả, tổng trọng lượng khoảng 1 tạ. Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình chị Yến, ước tính đạt khoảng 50 tấn quả. |
Tượng tự, vườn sầu riêng của gia đình anh Trần Văn Huy, trú tại thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, cũng có hơn 400 cây sầu riêng Ri6 trồng xen trong rẫy cà phê từ năm 2014. Anh Huy vừa chặt bỏ cà phê để chăm sóc thuần sầu riêng. Nói về cây sầu riêng Ri6, anh Huy chia sẻ: "Đây là loại cây khó tính, nên để đạt hiệu quả kinh tế cao phải tốn khá nhiều công sức. Trồng sầu riêng phải am hiểu kỹ thuật mới giữ được quả trên cây. Ngoài ra, phải phòng các loại bệnh nấm quả, nấm lá và rễ để quả đạt chất lượng, mẫu mã đẹp. Sầu riêng trồng xen trong cà phê hiệu quả sẽ không cao, nên phải trồng thuần. Nếu chăm sóc tốt, biết áp dụng kỹ thuật, sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều loại cây trồng khác".
Với 400 cây sầu riêng, bình quân năm nay anh Huy thu về khoảng 40 tấn quả. Hiện nay, vườn sầu riêng của anh đang trong thời kỳ chăm sóc quả non. Anh Huy chia sẻ, hiện nay, gia đình chỉ mới phát triển vùng nguyên liệu, chưa có chứng nhận gì, chưa có tem, cũng như truy xuất nguồn gốc. Do đó, anh rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn để gia đình đạt các tiêu chí này. Ngoài ra, gia đình anh đang muốn lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vườn sầu riêng nên mong muốn được hỗ trợ, hướng dẫn cách làm phù hợp.
Tuyển lựa trái và neo cành là công đoạn quan trọng để có một vụ thu hoạch mang hiệu quả kinh tế cao |
Theo ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã chọn vườn sầu riêng của gia đình chị Yến và anh Huy làm mô hình sản xuất kiểu mẫu. Trong thời gian tới, xã cùng với cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ hai chủ vườn này hoàn thiện các tiêu chí theo hướng VietGAP. Cụ thể, xã sẽ hướng dẫn 2 hộ dân này đăng ký chứng nhận quy trình sản xuất, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Sầu riêng cũng là sản phẩm được UBND xã Đức Mạnh đăng ký xây dựng sản phẩm đặc trưng của xã trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Vì thế, thời gian tới, UBND xã Đức Mạnh sẽ chủ động mang sản phẩm sầu riêng của hai gia đình này tham gia các chương trình OCOP của huyện, tỉnh để quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ.
Theo Báo Đắk Nông điện tử