Chương trình đề tài khoa học

Chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 02/08/2018 | 16:22  | View count: 5859

Ngày 02/8/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3799/UBND-NN chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung triển khai, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ngành, các địa phương kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp bảo đảm hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên, gắn với kiểm điểm trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; Chủ trì, phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng các biển cảnh báo ở những nơi có khả năng và thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết và phòng tránh xảy ra tai nạn; phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng một số điểm cảnh báo sớm bằng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai qua tin nhắn điện thoại di động để người dân nắm bắt thông tin kịp thời; Phối hợp với Sở Tài chính bố trí nguồn lực từ ngân sách tỉnh, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chủ động các nguồn lực triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tới các thôn, bon có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các địa phương thực hiện bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cuả Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Rà soát công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố các công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ; Hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hạn chế rủi ro trong sản xuất cho người dân; Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, gây thiệt hai về người và tài sản tại khu khai thác khoáng sản khi mưa lũ xảy ra. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định).

Sở Giao thông Vận tải: Chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ khắc phục sự cố; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác, bố trí cảnh báo tại các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, đoạn đường sạt lở đất, đá, khu vực hay xảy ra lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; Các tuyến đường giao thông khi xây dựng phải đảm bảo an toàn, ổn định, thoát nước, không gây cản lũ, hạn chế sạt trượt khi có mưa lũ; Đảm bảo giao thông kịp thời, khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá trên các tuyến đường giao thông trong thời gian nhanh nhất; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, phân tuyến để đảm bảo an toàn, hạn chế ách tắc khi mưa lũ.

Sở Xây dựng phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; hướng dẫn xây dựng nhà an toàn trước thiên tai, phòng tránh lũ ống, sạt lở đất.

Sở Công thương: Rà soát công tác bảo đảm an toàn, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án sẵn sàng ứng phó với sự cố đập thủy điện, nhất là các đập thủy điện do tư nhân quản lý và hệ thống truyền tải điện, hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng phương án dự trữ, huy động lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phù hợp với từng khu vực để chủ động đảm bảo nguồn hàng cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Sở Thông tin và Truyền thông: Kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý sự cố đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin cảnh báo thiên tai tới các thuê bao trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai; Đảm bảo hoạt động ổn định mạng thông tin chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai; bố trí đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai; Rà soát hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông qua các câu chuyện truyền thanh, tiểu phẩm truyền thanh để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.

Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, trong đó có lũ quét, sạt lở đất và kỹ năng phòng chống đuối nước vào nhà trường phù hợp với định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới; hướng dẫn, thực hiện đối với dự án các trường học khi đầu tư xây dựng lại hoặc xây mới cần được đầu tư kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai và kết hợp làm nơi sơ tán, trú tránh cho người dân khi xảy ra thiên tai.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, công tác bảo đảm an sinh, xã hội khi xảy ra thiên tai, chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, các hộ có nhà đổ, sập, trôi và hư hỏng nặng để kịp thời có phương án trợ giúp nhân dân khắc phục thiên tai, ổn định đời sống.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ưu tiên bố trí các nguồn lực để triển khai các Chương trình, đề án, dự án nhằm chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại về người do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh triển khai các chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thông qua các phóng sự ngắn, tiểu phẩm, tọa đàm; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.

UBND các huyện, thị xã: Tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng; Tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để người dân biết và phòng tránh xảy ra tai nạn; Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, gây thiệt hại về người và tài sản tại khu khai thác khoáng sản khi mưa lũ xảy ra. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định); Tổ chức các tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng thôn, bon với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu. Kiểm tra, tổ chức xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy nhất là trên các sông, suối nhỏ, khe cạn để đề phòng ngừa nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, chủ động bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông qua các bến đò dọc, đò ngang, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu; Đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các Sở, Ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

H.M