Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Thực hiện Công điện khẩn số 1263/CĐ-BNN-TY ngày 05/02/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam. Để ngăn chặn có hiệu quả việc xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác từ nước ngoài xâm nhiễm vào tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
UBND các huyện, thị xã: Chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, kinh phí và kế hoạch để ứng phó kịp thời khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán, giết mổ, chế biến, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện kiểm dịch gia cầm và sản phẩm gia cầm theo đúng quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ Campuchia vào Việt Nam, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm cho người dân.Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để cấp phát kịp thời cho các huyện, thị xã khi thực hiện các biện pháp chống dịch.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương, Hải quan cửa khẩu Bu Prăng và Đắk Peur: Phối hợp với lực lượng Thú y tổ chức giám sát khu vực biên giới chặt chẽ, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và các tổ chức đoàn thể tại các khu vực biên giới tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm và các biện pháp phòng chống có hiệu quả, nhất là tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm. Không ăn tiết canh gia cầm và chỉ sử dụng gia cầm đã qua chế biến.
Xem chi tiết tại file đính kèm
H.N