Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Với những kết quả tích cực từ Tổ hợp khai thác bô xít - alumin - nhôm Nhân Cơ cùng với chủ trương mở rộng dự án của Bộ Chính trị, tỉnh Đắk Nông đang thúc đẩy các hoạt động nhằm đón đầu cơ hội phát triển ngành Công nghiệp khai thác chế biến quặng bô xít để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm về lâu dài.
ài.
Một góc Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) |
Hướng đến mục tiêu 150.000 tấn nhôm/năm
Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp sản xuất alumin. Nhà máy được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 1/7/2017.
Từ khi Nhà máy đi vào hoạt động, đến nay, TKV đã đào tạo và tuyển dụng trên 1.000 lao động; trong đó, trên 560 lao động là người dân địa phương.
Kết quả sau 5 năm vận hành thương mại, sản lượng alumin quy đổi tại Nhà máy đã thực hiện được hơn 3,4 triệu tấn; doanh thu đạt hơn 29.302 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 910 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.166 tỷ đồng; lương bình quân đầu người 11,5 triệu đồng/người/tháng.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Nhà máy đã sản xuất được 362.000 tấn alumin. Dự kiến hết năm 2022, Nhà máy sẽ sản xuất được khoảng 735.000 tấn alumin theo đúng kế hoạch được TKV giao. |
Trong những năm qua, TKV thực hiện tốt các yêu cầu của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 775/NQ-UBTVQH13, ngày 23/6/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về bảo đảm môi trường tự nhiên; giữ vững an ninh - quốc phòng; gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; phát triển hạ tầng giao thông; hiệu quả kinh tế của dự án.
Kết quả thực hiện thí điểm Tổ hợp bô xít – alumin - nhôm Nhân Cơ tại Đắk Nông đã được Bộ Công thương tổng kết và được Chính phủ, Quốc hội và Bộ Chính trị đánh giá cao; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo mở rộng dự án, phát triển ngành Công nghiệp bô xít - alumin - nhôm trong thời gian tới.
Đối với Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, đến nay về cơ bản, các hạng mục chính của nhà máy đã hoàn thành phần xây dựng. Qua thời gian tạm ngừng đầu tư xây dựng, chủ đầu tư đã thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện công trình.
Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các nhà thầu tiến hành khảo sát, thiết kế để lắp đặt thiết bị. Dự kiến sẽ tiến hành lắp đặt một số thiết bị trong tháng 9/2022. Đến năm 2024, dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy và đi vào vận hành sản xuất giai đoạn I, với công suất 150.000 tấn nhôm/năm.
Đón đầu cơ hội, coi trọng chế biến sâu
Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm trở thành trụ cột của nền kinh tế, Đắk Nông đã và đang tích cực triển khai thực hiện các hoạt động liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông góp ý và đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch khoáng sản quốc gia, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoạt động ổn định, hiệu quả, đã củng cố thêm niềm tin về chủ trương phát triển của dự án |
Trong đó, tỉnh Đắk Nông được xác định là Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam để ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Đắk Nông đã kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi và phối hợp với các nhà đầu tư lớn vào khảo sát nghiên cứu, lập báo cáo cơ hội đầu tư như: Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang.
Từ đó, tiến tới xin chủ trương đầu tư, khai thác các mỏ bô xít, xây dựng 3 Tổ hợp nhà máy chế biến alumin, điện phân nhôm, công nghiệp sau nhôm tại các khu vực mỏ bô xít: Quảng Sơn, 1/5; Gia Nghĩa, Bắc Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Tuy Đức và Đắk Song.
Hiện tại, tỉnh đang thực hiện tiến trình đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, khu logistics để đón đầu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau nhôm; đồng thời, thúc đẩy quá trình cường hóa Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên thành 800.000 tấn alumin/năm và mở rộng quy mô nâng công suất của Tổ hợp lên thành 2 triệu tấn alumin/năm.
Đồ họa: Lê Dung - Nam Nguyễn |
Liên quan đến Quy hoạch điện VIII, tỉnh đang đề xuất với Chính phủ cần xem xét ưu tiên quy hoạch, đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời nhằm bảo đảm nguồn điện cung cấp cho phát triển ngành công nghiệp mới theo chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị.
Đối với việc phát triển Tổ hợp khai thác bô xít – alumin - nhôm, trong chuyến làm việc tại Đắk Nông mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là chủ trương chính thức của Bộ Chính trị. Chính phủ đang xây dựng Chương trình hành động và giao Bộ Công thương thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, dự thảo chương trình đã xong. Muộn nhất cuối quý III/2022, Chương trình sẽ được thông qua.
Những kiến nghị của tỉnh Đắk Nông cũng sẽ được đề xuất và tập trung giải quyết khi thực hiện Chương trình hành động này.
Đặc biệt, liên quan đến đầu ra của sản phẩm alumin hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển chế biến sâu bô xít, alumin sau khi khai thác.
Bộ trưởng cho rằng: "Nếu chỉ dừng lại khai thác và bán bô xít, alumin như hiện tại là vô cùng lãng phí. Vì phần chế biến sâu mới tạo ra vật liệu phục vụ cho các ngành sản xuất. Bởi vì ra nhôm thỏi rồi thì các thành phần về nhôm, chúng ta hoàn toàn chủ động được".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, tỉnh Đắk Nông phải đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường trong khai thác bô xít.
"Đây là vấn đề không thể xem nhẹ. Bởi bài học về vấn đề này đã hiện hữu. Nếu không sớm tính đến khai thác bùn đỏ cũng rất lãng phí, mà không tái sử dụng được thì cũng là thách thức. Tỉnh nên phối hợp với các nhà đầu tư để chủ động đề xuất các phương án xử lý bùn đỏ giống như tro xỉ của nhiệt điện than. Có như vậy, việc phát triển ngành công nghiệp này mới hoàn toàn yên tâm", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử