Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Bổ sung chính sách hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật; quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’; tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão; phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/10/2021.
Bổ sung chính sách hỗ trợ với người cao tuổi và người khuyết tật
Theo Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tại khoản 7 Mục II bổ sung chính sách hỗ trợ tiền mặt đối với người cao tuổi và người khuyết tật như sau: Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nghị quyết 126/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất.
Quy định tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19'
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" nêu rõ, từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Quy định hướng dẫn cụ thể về phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch. Theo đó, phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp:
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch: Đánh giá từ quy mô cấp xã. Khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Quy định cũng nêu rõ 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỉ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỉ lệ tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,... và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm vaccine cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học
Tại Nghị quyết số 127/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể. Xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo đảm nguồn vaccine và đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vaccine; tổ chức tiêm chủng vaccine kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu chiến lược đã đề ra, không để lãng phí; khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học. Chủ động xây dựng chiến lược cung ứng và sản xuất thuốc điều trị COVID-19, không để bị động. Nghiên cứu, tổ chức đánh giá hiệu quả việc sinh kháng thể đối với người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 để bổ sung, hoàn thiện các giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phù hợp, linh hoạt.
Đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Tại Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 09/10/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, cần đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, nhất là trong những tuần tới cần tập trung triển khai một số việc trọng tâm, trong đó, các địa phương phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức đưa đón, quản lý người dân về quê, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn trật tự xã hội và an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Xác định vaccine là yếu tố cốt lõi trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, vì vậy phải tăng cường hoạt động Tổ ngoại giao vaccine; đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết và xem xét kỹ lưỡng, khoa học việc nhập khẩu tiếp theo, tính toán cho cả tiêm chủng vaccine cho trẻ em và kế hoạch cho năm 2022 ngay từ bây giờ; thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước, bảo đảm an toàn, khách quan, trung thực, khoa học; đẩy mạnh hơn nữa tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.
Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quán triệt quan điểm sản xuất phải an toàn, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, phát huy tính chủ động, tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân với cộng đồng, xã hội, với đất nước.
Tập trung ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão
Theo Công điện số 1337/CĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021, đồng thời chủ động theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến, tình hình cụ thể tại địa phương.
* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1323/CĐ-TTg gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Thực hiện nghiêm việc khôi phục vận tải hành khách
Tại Công điện số 1322/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách một cách thận trọng, an toàn, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không đã được Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 263/TB-VPCP ngày 8/10/2021; tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo nêu trên cũng như chưa thực hiện đúng các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế. Yêu cầu các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.
Giao Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền
Sớm đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2021 – 2022 nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 bảo đảm việc bổ sung kiến thức cho học sinh trong ngắn hạn cũng như trong các năm học tiếp theo.
Bên cạnh đó, rà soát các quy định bảo đảm an toàn trường học, trong đó có tính đến tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, giáo viên và học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi. Trên cơ sở đó, sớm ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới; chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục cần lưu ý bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.
Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần
Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Theo chinhphu.vn