TIN THẾ GIỚI

Thế giới tuần qua: Nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Liên minh châu Âu
Ngày đăng 17/02/2020 | 08:40  | View count: 2194

Bên cạnh những thông tin đáng lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 cùng nguy cơ đụng độ quân sự tái diễn giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, thế giới tuần qua (10-16/2) đón nhận thông tin tốt lành khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai hiệp định quan trọng giữa EU và Việt Nam là EVFTA và EVIPA.

Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA

 Toàn cảnh phiên bỏ phiếu tại EP thông qua EVFTA và EVIPA. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Vào lúc 18 giờ ngày 12/2 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Theo kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn trong tổng số 633 nghị sĩ bỏ phiếu; đối với EVIPA, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn trong tổng số 648 nghị sĩ bỏ phiếu. Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, nhất là cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi sau gần tám năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán vào tháng 6/2012.

Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA là quyết định quan trọng để các Hiệp định sớm được triển khai. Nếu việc ký kết EVFTA và EVIPA "mở ra chân trời mới" và là "tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại" kết nối Việt Nam với châu Âu như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, thì việc phê chuẩn EVFTA là "tấm vé thông hành quan trọng" giúp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của EU.

Khai mạc Hội nghị An ninh thế giới lần thứ 56 tại Munich, Đức

 Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56. Ảnh: US Embassy.

Ngày 14/2, Hội nghị An ninh thế giới lần thứ 56 đã khai mạc tại thành phố Munich của nước Đức, với sự tham dự của 35 nhà lãnh đạo quốc gia. Đây là diễn đàn cấp cao diễn ra hàng năm, nơi lãnh đạo các nước thảo luận và bày tỏ quan điểm về tình hình an ninh thế giới.

Tham dự Diễn đàn năm nay có Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, khoảng 100 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của nhiều nước trong đó có Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài các thảo luận có tính chất vĩ mô nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề "nóng" trên thế giới cùng các thách thức toàn cầu cấp bách, Hội nghị An ninh thế giới chủ yếu là nơi giới hoạch định chính sách an ninh của các nước gặp nhau một cách không chính thức. Tình hình Iran và Libya, dự án dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 và cả tác động của dịch bệnh COVID-19 được cho là những chủ đề nóng nhất được quan tâm tại Hội nghị Munich năm nay.

Tiếp tục lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh COVID-19

 Lối vào khu vực bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới thuộc bệnh viện Bichat, nơi điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm virus corona, tại Paris, Pháp từ ngày 25/1 (ảnh: TTXVN) 

Ngày 15/2, theo giới chức y tế Pháp, ca đầu tiên tử vong vì nhiễm chủng mới của virus corona (nCoV) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã xảy ra tại nước này. Đây là ca tử vong đầu tiên do nhiễm COVID-19 diễn ra bên ngoài châu Á.

Cùng ngày, Reuters đưa tin giới chức Ai Cập lên tiếng xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên ở nước này đến từ một người nước ngoài. Bệnh nhân hiện đang được điều trị cách ly trong bệnh viện. Đây đồng thời cũng là ca bệnh đầu tiên ở châu Phi được ghi nhận trong bối cảnh quốc tế lo ngại hạ tầng y tế ở châu lục nghèo khổ này sẽ không đáp ứng được nếu dịch bệnh bùng lên.

Theo số liệu thống kê công bố sáng 16/2, trên toàn thế giới có 69.036 người mắc, 1.666 người tử vong, trong đó: Lục địa Trung Quốc 1.662 người; Philippines: 1 người; Hong Kong (Trung Quốc): 1 người; Nhật Bản: 1 người và Pháp: 1 người.

Trước bối cảnh trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nước chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy nghiên cứu về bệnh viêm phổi gây ra bởi chủng mới của virus Corona. Theo Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus thì vaccine ngừa COVID-19 sẽ sẵn sàng trong 18 tháng nữa.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại gần kề "miệng hố" chiến tranh

 Những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tăng quân và phương tiện chiến đấu vào Syria. Nguồn: Sohu.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tiến gần đến một cuộc chiến tranh toàn diện ở tỉnh Idlib, Syria sau khi các lệnh ngừng bắn sụp đổ và những cuộc giao tranh giữa 2 bên ngày càng leo thang.

Một đoạn video được đăng tải hôm 11/2 cho thấy dường như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một trực thăng của quân đội Syria. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố các lực lượng của Syria "sẽ phải trả giá đắt" sau cuộc tấn công khiến ít nhất 5 binh lính nước này thiệt mạng.

Hiện cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho nhau đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian ở Idlib. Những diễn biến này được cho là sẽ đe dọa phá vỡ các mối quan hệ hợp tác phức tạp, cũng như các thỏa thuận mong manh và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Idlib.

Trước bối cảnh trên, các đại diện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi nhiều nỗ lực ngoại giao để cải thiện tình hình, song vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể.

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng, giảm chi tiêu cho thương mại và môi trường

 Tổng thống Mỹ D.Trump. (Ảnh: NHK) 

Ngày 10/2, Chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump công bố kế hoạch ngân sách trị giá 4,8 nghìn tỷ USD cho năm tài khóa mới 2021 bắt đầu từ ngày 1/10/2020, trong đó đề cập tới việc cắt giảm sâu mức phân bổ đối với một số chương trình nhằm đưa ngân sách liên bang về mức cân bằng.

Trong bản kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa mới được công bố, các khoản chi tiêu quốc phòng được tăng 0,3% lên mức hơn 740,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ngân sách cho các hoạt động của Bộ Ngoại giao và các hoạt động viện trợ nước ngoài lại giảm 22%, ngân sách chi cho Bộ Thương mại giảm 37%, Cơ quan Bảo vệ Môi trường giảm 26%, Bộ Phát triển Nhà và Đô thị 15%, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh 9%, Bộ Giáo dục 8%, Bộ Nông nghiệp 8%, Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài 21%, Bộ Lao động 11% và Bộ Năng lượng 8%.

Tổng thống D.Trump cho biết, với đề xuất ngân sách ngân sách này, ông sẽ đưa thâm hụt ngân sách của Mỹ về mức 0 trong thời gian không lâu, mặc dù dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2020 là 1 nghìn tỷ USD và năm 2021 là 966 tỷ USD./.

Theo dangcongsan.vn