TIN THẾ GIỚI

Thế giới tuần qua: Những quyết sách quan trọng
31/10/2022 | 07:59  | View count: 11784

Tuần cuối cùng của tháng 10/2022 đã chứng kiến nhiều quyết sách quan trọng khi Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương thông qua Thông cáo chung về nhiều vấn đề mấu chốt… Song "thảm họa" Halloween tại Hàn Quốc lại là một "điểm tối" trong bức tranh toàn cầu khi có tới hàng trăm người thương vong.
 

Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30

 Các trưởng đoàn dự APPF lần thứ 30 chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 diễn ra từ ngày 26 – 28/10 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) với sự tham dự của trên 300 đại biểu đến từ 22 cơ quan lập pháp thành viên cùng đại diện các tổ chức quốc tế. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng là lần thứ hai Quốc hội Thái Lan đăng cai hội nghị quan trọng này, sau hội nghị lần thứ 4 vào năm 1996.

Với chủ đề "Nghị viện và Phát triển bền vững hậu đại dịch COVID-19", các nghị viện thành viên APPF đều có chung nhận thức rằng đại dịch COVID-19 đã tác động vượt xa một cuộc khủng hoảng y tế. COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hầu khắp mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, cản trở nghiêm trọng tới việc đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong những năm còn lại của "Thập kỷ Hành động" của Liên hợp quốc. Hội nghị APPF năm nay đặt mục tiêu cải thiện quan hệ hợp tác và cam kết xây dựng lại một khu vực bền vững hơn bằng cách tập trung vào sự phục hồi cân bằng, bền vững và hướng tới con người.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính. Thứ nhất là các vấn đề chính trị và an ninh, trong đó bàn về việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì an ninh khu vực, tăng cường an ninh mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nghị viện và quá trình phục hồi bền vững hậu COVID-19 nhằm thúc đẩy dân chủ, hoà bình và an ninh. Thứ hai là các vấn đề kinh tế và thương mại, trong đó các đại biểu sẽ thảo luận việc thúc đẩy đa dạng hoá sinh học và kinh tế xanh vì phát triển bao trùm, tăng cường tính kết nối và nâng cao kinh tế số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nội dung thứ ba là về hợp tác khu vực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các đại biểu thảo luận làm rõ vai trò của nghị viện trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu trung hoà carbon, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng với chăm sóc sức khỏe ban đầu và thúc đẩy du lịch khu vực và hiểu biết về đa dạng văn hoá.

Bên cạnh đó, một cuộc họp của các nữ nghị sĩ APPF cũng được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị với 2 nội dung thảo luận chính là tăng quyền cho phụ nữ để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Kết thúc hội nghị, đại diện các Nghị viện thành viên APPF đã thống nhất về nội dung và cùng tiến hành ký kết Thông cáo chung về các vấn đề đã được nhất trí trong các phiên họp. Đại diện Thái Lan đã chuyển giao lá cờ của hội nghị cho Quốc hội Philippines, nước chủ nhà APPF lần thứ 31.

Tại hội nghị APPF 30 lần này, đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự và có nhiều đóng góp tích cực trong tất cả các phiên họp và Ủy ban soạn thảo văn kiện.

Ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh

Ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh. (Ảnh: AFP)

Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham ngày 25/10. Ở tuổi 42, ông Sunak là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong nền chính trị hiện đại Anh, là Thủ tướng da màu và cũng là Thủ tướng gốc Ấn đầu tiên trong lịch sử nước Anh.

Ông Rishi Sunak đã ngay lập tức bắt tay vào việc bổ nhiệm nội các mới và xúc tiến giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Tối 25/10, ông Dominic Raab được thông báo sẽ đảm nhận cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp, trong khi ông Jeremy Hunt sẽ giữ vai trò Bộ trưởng Tài chính. Cùng ngày, ông Sunak đã có bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh. Ông khẳng định nước Anh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Hậu quả của dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm mất ổn định thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Ông khẳng định sẽ nỗ lực làm việc chăm chỉ để giành được lòng tin của người dân, đồng thời cho biết mình có thể sẽ phải đưa ra "một số quyết định khó khăn" với tư cách là Thủ tướng, trước tình hình kinh tế hiện tại của đất nước.

Theo giới phân tích, nhận nhiệm sở trong tình hình rối ren hiện nay, tân Thủ tướng Sunak phải nhanh chóng tìm lời giải cho những bài toán khó gồm: Ổn định nội bộ, giải quyết khủng hoảng tài chính công, kiềm chế lạm phát đang leo thang, hóa đơn năng lượng tăng vọt và nguy cơ thiếu điện trong năm 2023, vấn đề thực thi Nghị định thư Bắc Ireland, xung đột Nga – Ukraine...

Tuy nhiên, những thách thức to lớn mà tân Thủ tướng Sunak phải đối mặt cũng có thể sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo trẻ này thể hiện năng lực. Và dư luận Anh kỳ vọng ông Sunak sẽ mang lại một luồng sinh khí mới cho nền chính trị nước này sau thời gian trượt dài trong các cuộc khủng hoảng.

Toàn bộ châu Âu dỡ bỏ hạn chế phòng dịch, WHO cảnh báo COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng

 Người dân đi trên đường phố tại Tây Ban Nha. (Ảnh: brusselstimes)

Tây Ban Nha là đất nước cuối cùng ở châu Âu chính thức gỡ bỏ các quy định phòng dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 21/10, du khách nhập cảnh Tây Ban Nha bao gồm công dân Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khối EU không cần phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19. Các quy định xét nghiệm nhanh, điền thông tin tờ khai sức khỏe trước chuyến đi cũng được loại bỏ. Ngoài ra, quy định đeo khẩu trang tại nhà hàng, quán bar, bảo tàng, rạp chiếu phim... cũng không còn bắt buộc. Tuy nhiên, du khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến các cơ sở y tế và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Mặc dù vậy, ông Babatunde Olowokure, Giám đốc Văn phòng Tình trạng khẩn cấp và An ninh y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực Tây Thái Bình Dương, vẫn cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và sự xuất hiện của các biến thể mới vẫn là mối đe dọa tiềm tàng, tiếp tục gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế vốn chưa phục hồi sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành. Theo quan chức WHO, từ tháng 8 đến nay, Singapore và New Zealand ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trở lại, trong khi số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện điều trị tại nhiều nước như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản duy trì đà giảm. Ông cho biết, biến thể phụ XBB của Omicron gây ra số lượng lớn ca mắc mới tại Singapore, trong khi BA.5 vẫn là biến thể lây nhiễm chủ đạo tại New Zealand.

Theo trang web thống kê worldometers.info, đến chiều 30/10, thế giới có tổng số 635.376.184 ca nhiễm và 6.593.503 ca tử vong vì dịch COVID-19.

ECB lần thứ ba tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát

 Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại thành phố Frankfurt/Main, Đức. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 27/10, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.

Cụ thể, ECB tăng lãi suất tiền gửi lên 1,5% và lãi suất tái cấp vốn lên 2%.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng sẽ làm những gì phải làm, đó là việc tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.

Dự kiến, ECB có thể tiếp tục tiếp tục xem xét tăng lãi suất trong tháng 12 tới để ứng phó với mức lạm phát cao hiện nay.

Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn nguồn cung và hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine đối với thị trường năng lượng có thể bị chững lại. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi tăng lãi suất hơn nữa. Lãi suất cao hơn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, đồ nội thất, các mặt hàng tiêu dùng khác, hoặc các dịch vụ giải trí và văn hóa.

"Thảm họa" Halloween tại Hàn Quốc

 Lực lượng chức năng tại hiện trường. (Ảnh: Reuters)

Tối 29/10, tại khu phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đã xảy ra một "thảm hoạ" giẫm đạp khi hàng trăm nghìn người quy tụ về khu vực khách sạn Hamilton để dự lễ hội Halloween được tổ chức tại đây.

Được biết, Itaewon là khu nổi tiếng giải trí về đêm, thu hút nhiều người trẻ tới các quán bar và nhà hàng. Do đó, sau 3 năm phòng dịch COVID-19, khoảng 100.000 người đã tới đây để trải nghiệm không khí lễ hội mà không cần khẩu trang. Theo truyền thông nước sở tại, con số này lớn gấp 10 lần so với bất kỳ dịp lễ nào.

Khoảng hơn 10h tối (giờ địa phương), các nhà chức trách đã nhận được rất nhiều cuộc gọi kêu cứu vì bị nghẹt thở. Hơn 1.700 người thuộc nhóm ứng cứu khẩn cấp đã được điều động, bao gồm 517 lính cứu hỏa, 1.100 cảnh sát và khoảng 70 nhân viên chính phủ.

Chính quyền thủ đô Seoul cho biết đến sáng 30/10 đã nhận được 355 báo cáo về những người mất tích liên quan đến một vụ giẫm đạp tại Itaewon. Trong khi đó, theo hãng tin News 1 của Hàn Quốc, tính đến sáng 30/10, lực lượng cứu hộ cho biết, tổng cộng 151 người, được xác nhận đã thiệt mạng, 76 người khác bị thương, 57 người khác trong tình trạng nghiêm trọng.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chủ trì hai cuộc họp khẩn cấp liên tiếp, ra lệnh cho các quan chức phải nhanh chóng sơ cứu và điều trị những người bị thương, đồng thời chỉ đạo các quan chức điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn. Tổng thống Yoon đã tuyên bố quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân.

Về phần mình, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon, người đang có chuyến thăm châu Âu, đã quyết định trở về nhà sau vụ tai nạn, các quan chức thành phố cho biết.

Vụ giẫm đạp ở Itaewon là thảm họa chết người tồi tệ nhất tại Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà vào năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, với phần đông là học sinh trung học./.

Theo dangcongsan.vn