TIN NỔI BẬT

Hội nghị đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước
Ngày đăng 14/03/2017 | 14:07  | View count: 2652

Ngày 14/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo, đại diện các sở, ban ngành của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Bốn cùng lãnh đạo, đại diện các Sở, ban, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông.

 

 

Theo đó, việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở quy mô quốc gia được triển khai lần đầu vào năm 2015 do Bộ Nội Vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp thực hiện theo Chương trình phối hợp số 11/CTPH-BNV-MTTQVN-HCCB ngày 06/7/2015 về việc triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 (SIPAS)

 

Có 06 thủ tục hành chính được chọn để triển khai xác định SIPAS năm 2015, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng nhà ở, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh và Chứng thực. Đây là những lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính có liên quan mật thiết tới đời sống của người dân, được người dân và xã hội đặc biệt quan tâm, gồm cả thủ tục phức tạp, khó khăn cũng như các thủ tục đơn giản, dễ dàng.

 

SIPAS 2015 đánh giá 4 yếu tố cơ bản của quá trình giải quyết công việc của từng TTHC, gồm: Tiếp cận dịch vụ, TTHC, công chức phục vụ, kết quả giải quyết.

 

Thông tin phục vụ việc đánh giá của SIPAS 2015 được thu thập thông qua điều tra xã hội học theo hình thức phát phiếu khảo sát đến 15.120 người dân, tổ chức đã giải quyết TTHC và nhận kết quả của 6 thủ tục trên tại 108 xã của 3 thành phố trực thuộc Trung ương và 7 tỉnh đại diện cho 7 vùng được chọn mẫu cho cả nước (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau).

 

Kết quả đo lường, xác định SIPAS năm 2015 cho thấy, yếu tố tiếp cận dịch vụ nhận được tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng chiếm từ 73,7%-86,1%. Yếu tố thủ tục hành chính với tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng là từ 73,5% -88,7%. Yếu tố công chức phục vụ tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng là từ 74,3%-87,2% và số người cảm thấy hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong khoảng 73,7%-89,8%.

 

Bên cạnh việc triển khai của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2016, cả nước có 4 bộ, ngành và 32 địa phương cũng đã chủ động tự triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

 

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích, đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu việc đo lường chỉ số SIPAS 2015 và việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước do các bộ, ngành, địa phương chủ động tự triển khai trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, đóng góp ý kiến nhằm hướng tới hình thành một phương pháp đánh giá thống nhất về đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để triển khai định kỳ hàng năm ở quy mô quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương trong thời gian tới.

 

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị trong thời gian tới Bộ Nội vụ phối hợp Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng phê duyệt Đề án "đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020", trong đó, chú ý vào các đề xuất, giải pháp phù hợp để áp dụng rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề và địa phương. Trên cơ sở đề án, các bộ, ngành địa phương định kỳ hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức để phát hiện những tồn tại, vướng mắc từ đó kịp thời khắc phục, đáp ứng sự mong đợi của người dân. Cần bố trí đủ nguồn lực về con người, kinh phí để triển khai ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cũng yêu cầu sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng làm một tiêu chí đánh giá tác động trong chỉ số Cải cách hành chính. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng, cần thiết của việc đo lường xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để người dân, tổ chức cùng tham gia góp ý, giám sát.

Sam Nguyễn