TIN NỔI BẬT

Đại biểu Quốc Hội Võ Đình Tín nêu ý kiến góp ý về Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội Khóa XIV
Ngày đăng 30/05/2017 | 13:55  | View count: 3194

Sáng 30/5, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đại biểu Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu ý kiến, cho rằng "cần có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường sắt cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; đồng thời, sớm có chính sách đầu tư xây dựng đường sắt cho vùng Tây Nguyên…"

Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín.

Đại biểu Võ Đình Tín nêu ý kiến góp ý Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) tại hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XIV

 

Trước tiên, tôi cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), cũng như bản Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo gợi ý của Tổng thư ký tôi xin phát biểu 3 vấn đề sau:

1. Về chính sách phát triển đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt:

Hiện nay nước ta là một trong những nước còn sử dụng đường sắt khổ nhỏ, vì vậy tốc độ chạy tàu còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của nước ta, Luật Đường sắt sau khi ban hành phải tạo động lực để phát triển ngành đường sắt một cách toàn diện. Vì vậy cần có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường sắt cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời, sớm có chính sách đầu tư xây dựng đường sắt cho vùng Tây Nguyên vì đây là địa bàn có điều kiện kinh tế rất khó khăn.

Về quy định tại Khoản 3 Điều 5, tôi đề nghị bổ sung cụm thêm từ "phát triển dịch vụ đô thị" vì dịch vụ ở đô thị góp phần rất lớn để phát triển đường sắt, cụ thể như sau: "Nhà nước dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển dịch vụ đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt".

Hiện nay đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ do nhà nước thực hiện, chưa có tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư cần có thời gian tương đối lâu dài, vì kinh phí đầu tư lớn, năng lực vận tải đường sắt chưa cao, chưa cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác, vì vậy các ưu đãi, hỗ trợ đối với kinh doanh kết cấu hạ tầng chưa phát huy ngay trong thực tiễn. Trong thời gian đầu nên tập trung ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sắt là khả thi hơn. Do đó, cần tập trung thu hút tham gia đầu tư của khu vực ngoài nhà nước để nâng cao chất lượng vận tải hành khách, hàng hóa, đủ khả năng cạnh tranh các loại hình dịch vụ vận tải khác, làm cơ sở bước đầu chuyển dịch, phát triển giao thông đường sắt, tạo nhân tố, động lực để phát triển chung của ngành đường sắt. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ để thu hút hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt, đồng thời cần quy định cụ thể hơn chính sách phát triển đường sắt.

2. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt

+ Tại Khoản 9 và Khoản 10 của Điều 9: Dự thảo Luật quy định theo phương pháp liệt kê cụ thể, chi tiết các hành vi vi phạm như: Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt… phương pháp liệt kê như vậy là không thể đầy đủ, bao quát tất cả các hành vi nguy hiểm cần được nghiêm cấm. Đề nghị cần chỉnh lý như thế nào cho bao quát, toàn diện các hành vi cần bị nghiêm cấm.

+ Tại Khoản 6 của Điều 9: Dự thảo Luật chỉ quy định cấm điều khiển tàu chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, thực tế thì có việc điều khiển tàu chạy chậm so tốc độ theo quy định cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động chung, nhưng không quy định là hành vi cấm trong dự thảo Luật là chưa phù hợp và sẽ không có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi này. Đề nghị bổ sung và quy định lại như sau: " Điều khiển tàu chạy không đúng tốc độ theo quy định." sẽ đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp hơn về nội dung, hành vi cần bị nghiêm cấm.

+ Đề nghị bổ sung các hành vi như: hành vi "Dừng, đỗ trái phép các phương tiện giao thông khác trên, trong phạm vi đường sắt và hành lang bảo vệ", hành vi "trốn vé" vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 của dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh và tính pháp lý chặt chẽ hơn.

3. Về giá, phí trong kinh doanh đường sắt:

Dự thảo Luật chỉ quy định hình thức giá, phí do Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, nếu không quy định cơ chế giá, phí để thị trường tự điều chỉnh sẽ không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Bởi vì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, để phát triển ngành đường sắt cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, không thể vì lý do "cơ chế giá sẽ phát sinh chi phí cho việc tính toán lại và phát sinh thủ tục cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp trong quá trình hoạt động" mà bỏ qua yêu cầu của nền kinh tế thị trường, đó là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt. Để phù hợp với cơ chế thị trường, nhà nước chỉ cần đóng vai trò quản lý, điều tiết bằng các công cụ như: bù lỗ giá, hỗ trợ đối tượng đi tàu hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư... Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý mà không trực tiếp quy định mức giá cụ thể thay cho doanh nghiệp.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Nam Nhật