TIN NỔI BẬT

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự
Ngày đăng 24/05/2017 | 23:02  | View count: 4530

Sáng ngày 24/5, trong buổi thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã phát biểu ý kiến về định lượng tỷ lệ tổn thương cơ thể làm căn cứ truy cứu hình sự, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu. Buổi chiều cùng ngày, Đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng đã phát biểu nêu ý kiến góp ý Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS. Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của 2 đại biểu Nguyễn Trường Giang và Võ Đình Tín tại các phiên thảo luận ngày 24/5.

* Bài phát biểu của Đại biểu Nguyễn Trường Giang

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13

 


Kính thưa Quốc hội! Qua theo dõi và nghiên cứu dự thảo luật và các tài liệu gửi kèm theo, tôi đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý Dự thảo luật. Nhìn chung, Dự thảo luật đã bám sát quan điểm sửa đổi đã được đa số đại biểu Quốc hội đồng ý tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Với những lý do đó, tôi tán thành với nhiều nội dung của Dự thảo luật và xin có ý kiến vào một số nội dung cụ thể  như sau:

1. Về định lượng tỷ lệ tổn thương cơ thể làm căn cứ truy cứu hình sự (ở 27 điều luật).

So với BLHS năm 2015 và BLHS năm 1999, Dự thảo luật đã không coi là tội phạm đối với một số hành vi vi phạm gây ra hậu quả thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến dưới 61% ở 27 điều luật. Đây là những tội hay xảy ra trong thực tiễn như các tội xâm phạm an toàn giao thông; tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295); tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 298)... Vì vậy, đây là một thay đổi rất lớn về chính sách hình sự.

Mặt khác, việc sửa đổi như vậy còn tạo ra sự thiếu công bằng và mâu thuẫn với điều luật khác, cụ thể là: so với Điều 138 BLHS năm 2015, Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (vừa vô ý về hành vi, vừa có hậu quả xảy ra ngoài ý muốn) nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến dưới 61% thì bị coi là tội phạm; trong khi đó, ở 27 điều luật này (cố ý về hành vi và hậu quả xảy ra ngoài ý muốn) nếu gây thương tích như trên thì không bị coi là tội phạm.

Với những lý do đó, tôi đề nghị giữ quy định của BLHS năm 2015 về việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác với tỷ lệ từ 31% đến dưới 61% ở 27 tội, gồm: Các điều từ 260 đến Điều 276, Điều 278, 281, 295, 298, 307, 308, 310 và từ Điều 312 đến Điều 360. Quy định như vậy, vừa là kế thừa quy định hiện hành đã ổn định từ lâu; vừa bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

2. Về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134).

Tình tiết "gây cố tật" chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tổn thương cơ thể cho người khác dưới 11% (Điểm C, Khoản 1); tình tiết "gây thương tích làm biến dạng vùng mặt" chỉ được coi là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tổn thương cơ thể cho người khác 61% trở lên (Điểm B, Khoản 4) trong Dự thảo luật là không hợp lý, thiếu logic. Dự thảo quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y đã quy theo hướng với cùng loại thương tích thì tỷ lệ phần trăm tổn thương có gây cố tật hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ với tỷ lệ lớn hơn trường hợp thông thường.

Vì vậy, tôi đề nghị không nên quy định về 2 tình tiết này để bảo đảm tính hợp lý, logic và cũng là không quy định "tăng nặng trong tăng nặng".

Trường hợp giữ quy định về các tình tiết này thì đề nghị: Bổ sung quy định tình tiết "gây cố tật" là tình tiết tăng nặng cả đối với trường hợp gây tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác 11% trở lên và bổ sung tình tiết "gây thương tích làm biến dạng vùng mặt" là tình tiết tăng nặng trong trường hợp gây tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác dưới 61% để bảo đảm tính logic, hợp lý.

3. Về bổ sung xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm).

Việc bổ sung quy định thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) là đồng nghĩa với quy định "thuốc lá điếu nhập lậu" là hàng cấm. Việc bổ sung quy định thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190, 191 dẫn đến việc không thống nhất về chính sách hình sự đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng hóa tương tự khác như rượu lậu, xăng dầu lậu...

Hơn nữa, quy định như vậy còn thiếu công bằng, không thống nhất về chính sách hình sự ngay trong cùng một hành vi. Ví dụ như nếu vận chuyển thuốc lá ngoại trốn thuế (tức là lậu) mà bị phát hiện ở cửa khẩu mà hàng có trị giá dưới 100 triệu đồng (khoảng dưới 5.000 bao thuốc) thì không bị xử lý hình sự; nhưng vận chuyển, tàng trữ trong nội địa thì chỉ cần mức từ 1.500 bao thuốc lá ngoại trốn thuế trở lên (khoảng 30 triệu đồng) là bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt rất nặng.

Với những lý do trên, tôi cho rằng việc xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu theo quy định về hàng cấm là không đúng với bản chất của hành vi vi phạm. Quy định như vậy tạo ra sự mất công bằng và mâu thuẫn. Việc đấu tranh phòng, chống hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu là hết sức cần thiết, nhưng cần căn cứ vào những quy định khác phù hợp. Ví dụ như Điều 188 (tội buôn lậu), Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính...

* Bài phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín

Đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến tại hội trường thảo luận kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV


Kính thưa chủ trì kỳ họp! Kính thưa các vị đại biểu! Về dự thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, tôi xin có một số ý kiến như sau:

1. Về phạm vi sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 lần này tôi cho rằng phạm vi sửa đổi của Dự thảo luật là phù hợp, bổ sung được một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

2. Về phần chung của BLHS 2015

Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại (phân loại, mở rộng trách  nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại).

Về phân loại: Tôi thống nhất với cách phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại tại Khoản 2, Điều 9, Dự thảo luật vì cách phân loại này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, cũng như thể hiện rõ được trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong giai đoạn hiện nay.

Về mở rộng trách nhiệm hình sự: Tôi nhất trí mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324). Nhất trí với việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bổ sung tội tài trợ khủng bố tại Khoản 4, Điều 300 và tội rửa tiền tại Khoản 6, Điều 324 của Dự thảo. Việc đưa ra quy định này là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, nhất là trong giai đoạn hiện nay loại tội phạm rửa tiền và khủng bố có thể có liên quan với các pháp nhân thương mại. Ngoài ra, quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 loại tội phạm này cơ bản giúp ta tránh khỏi những ảnh hưởng bất lợi trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về xóa án tích theo quyết định của tòa án: Tại Khoản 2, Điều 71 quy định thời hạn xóa  án tích theo quyết định của tòa án không liệt kê trường hợp người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo (trong khi đó Khoản 2, Điều 70 về đương nhiên được xóa án tích lại có quy định áp dụng đối với trường hợp người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo) là chưa đồng bộ. Mặt khác, việc quy định thời hạn tòa án xem xét xóa án tích cho người phạm tội áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ bằng thời hạn đối với người chấp hành án phạt tù đến 05 năm là thiếu công bằng. Do đó, đề nghị chỉnh lý Điều 71 theo hướng bổ sung trường hợp người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo; mặt khác phân định rõ thời hạn xóa án tích như sau:

+ Trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì hạn được tòa án xem xét xóa án tích là 02 năm;

+ Trường hợp bị phạt tù đến 05 năm thì thời hạn được tòa án xem xét xóa án tích là 03 năm.

Về khiển trách và hòa giải tại cộng đồng:

Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội cần phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ, khi xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp khác, trong đó có miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau khi miễn trách nhiệm hình sự thì cần phải áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục nhất định (trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 của BLHS năm 2015) để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, tạo điều kiện cho họ có cơ hội hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội và cũng nhằm thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Do đó, tôi đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015.

Hòa giải tại cộng đồng là một trong ba biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng bắt buộc do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phối hợp với UBND cấp xã tổ chức thực hiện sau khi miễn trách nhiệm hình sự thì trong một số trường hợp sẽ dẫn đến chồng chéo với quy định tại Khoản 3, Điều 29 của bộ luật này và hòa giải tại cộng đồng không còn là biện pháp giám sát, giáo dục sau khi được miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, tôi thống nhất chọn phương án 2.

Về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 và tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 của BLHS năm 2015):

Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Hàng cấm" gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam (khoản 6 Điều 3). Tuy nhiên, tính chất của từng loại hàng hóa có sự khác nhau do hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam có thể là các loại đang xin phép lưu hành hoặc đang thử nghiệm tại Việt Nam. Do đó, đề nghị chỉnh lý Dự thảo luật theo hướng: Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì ngoài điều kiện về giá trị hàng hóa, thu lợi bất chính, còn phải thỏa mãn điều kiện đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một số tội cùng tính chất, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới xử lý hình sự.

Đối với hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Theo quy định của luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu là hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 184/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ) quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Do đó, để bảo đảm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu đang diễn ra phổ biến hiện nay, đề nghị bổ sung hành vị buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu vào Điều 190 và Điều 191 của Dự thảo luật.

Nam Nhật