TIN NỔI BẬT

Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn cần phải hành động bằng trái tim!
Ngày đăng 02/11/2021 | 09:14  | View count: 16241

Tiếp tục chương trình làm việc, tối ngày 1/11, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để đánh giá công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Đắk Nông và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu, việc thực hiện chi hỗ trợ phải khoa học, trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch

Theo báo cáo của Sở LĐTB-XH tỉnh, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai rà soát và thống kê được 31.068 đối tượng thuộc các nhóm được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 53,1 tỷ đồng.

Đến nay, tổng số đối tượng đã được phê duyệt là 37.616 đối tượng/31.068 đối tượng, vượt so với kết quả thống kê ban đầu. Nguyên nhân là do tại thời điểm rà soát, thống kê chưa tổng hợp các trường hợp F0, F1 do phát sinh theo tình hình dịch bệnh và đối tượng thực hiện theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Chính phủ mới ban hành sau.

Cuộc họp xác định, nguyên nhân chậm trễ việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối tượng thụ hưởng là do một số lao động tại thời điểm rà soát, kê khai đang nghỉ thai sản, thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc làm thủ tục, hồ sơ để được hưởng chậm.

Một số huyện chưa thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và nhóm đối tượng lao động tự do phần lớn từ vùng dịch của các tỉnh phía Nam trở về địa phương phải cách ly y tế, sau khi cách ly y tế mới tiến hành lập thủ tục dẫn đến chậm trễ trong việc rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài ra, việc tiếp nhận đơn đề nghị hỗ trợ và họp xét cho đối tượng lao động tự do ở các xã, phường, thị trấn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là thống nhất ngành nghề lao động tự do, phải hướng dẫn nhiều lần, dẫn đến khó khăn cho việc họp xét và phải họp xét nhiều lần. Một trong các điều kiện để xét là mức thu nhập của bản thân người lao động tại thời điểm mất việc thì không có căn cứ cụ thể nào để xét nên rất khó khăn cho hội đồng xét duyệt cấp xã.

Đến nay, tổng kinh phí thực hiện là trên 41 tỷ đồng, trong đó đã chi 29,2 tỷ đồng, đạt trên 71%; số còn lại chưa chi là trên 11,8 tỷ đồng, chiếm 28,8%. Việc chi tiền chậm là do một số người lao động hiện đang vắng mặt trên địa bàn nên khó khăn cho xã, phường, thị trấn trong việc tổ chức chi hỗ trợ.

Bên cạnh đó, một số huyện, thành phố còn phải chờ Phòng Tài chính-Kế hoạch và Kho bạc Nhà nước huyện chuyển tiền mới tiến hành chi hỗ trợ. UBND cấp huyện đã triển khai các văn bản hướng dẫn, đôn đốc nhưng UBND xã, phường, thị trấn triển khai còn chậm do lực lượng mỏng.

Sở LĐTB-XH tỉnh phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cần phải hành động bằng trái tim, bởi trong lúc này người dân đang gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, việc thực hiện chi trả phải khoa học, không máy móc, trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần làm tròn trách nhiệm, tránh tình trạng bị động trong việc chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng được hưởng theo quy định. Việc chi tiền hỗ trợ cho các đối tượng đã được phê duyệt phải hoàn thành vào ngày 5/11.

Sở LĐTB-XH tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc thực hiện chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy.

Theo báo Đắk Nông điện tử