TIÊU ĐIỂM

Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Ngày đăng 27/08/2020 | 09:10  | View count: 25145

Chiều ngày 26/8/2020, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí Nguyễn Bốn Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính; đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, phó chủ tịch UBND tỉnh, đồng chủ trì; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điên tử của 193 quốc  gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu do Liên Hợp quốc  đánh giá Việt Nam  tăng 2 bậc, xếp hạng 6/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiên vượt bậc ở chỉ số hạ tầng viễn thông (Tăng 31 bậc), cải thiện ở chỉ số Nhân lực(tăng3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số dịch vụ trược tuyến(giảm 22 bậc). Việt Nam được đánh giá cao ở những nổ lực của ngành Thuế khi thực hiện kê khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử. Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020 Việt Nam tăng 10 bậc, kết quả của giai đoạn tháng 8/2019-7/2021 dự kiến công bố trong báo cáo năm 2022.

Hiện nay, tình hình triển khai thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng đạt sát với mục tiêu năm 2020 như: tỷ lệ  mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước  đạt khoảng 96% (mục tiêu năm 2020 đạt 100%);  tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên toàn quốc đạt 88,53% (mục tiêu năm 2020 đạt 90%); tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,9%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên 30%, trong đó có Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 đạt 100%,...

Về Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ  công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt được trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235 ngàn tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24 nghìn cuộc gọi và 7,8 nghìn phản ánh, kiến nghị. Từ tháng 3/2020, hệ thống thanh toán trực tuyến của cổng dịch vụ công quốc gia được đưa vào vận hành, đến nay đã có 9000 giao dịch, riêng trong tháng 8/2020 có trên 3000 giao dịch với số tiền khoảng 5 tỷ đồng.

Tại Hội nghị các Bộ, ngành cũng thảo luận và chia sẻ một số cách làm như: phát triển ứng dụng công nghệ thông tin triển khai mô hình dạy trực tuyến vào trong các trường học; sử dụng phần mềm Bluezone để truy vết tiếp xúc người nhiễm virut Covid-19; sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phát triển cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư,……

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT,… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi… Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT; Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn; đặt biệt là khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Huy Hoàng