TIÊU ĐIỂM

Nhà ngục Đắk Mil là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Ngày đăng 21/08/2020 | 14:18  | View count: 73678

Nhà ngục Đăk Mil được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941, nhằm giam giữ những chiến sĩ cách mạng bị chúng coi là những tù nhân “đặc biệt nguy hiểm”, vì có tầm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Cuối năm 1943 thực dân Pháp đã cho phá hủy ngục và chuyển toàn bộ số tù nhân về lại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tồn tại 3 năm ngắn ngủi nhưng nơi đây là chứng tích tội ác của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; cũng là nơi ngời lên phẩm chất của các chiến sĩ cách mạng, nơi minh chứng cho ý chí, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, năm 2005 Ngục Dăk Mil được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Khi bước chân vào khu quần thể của nhà Ngục ĐakMil chúng ta có thể nhìn thấy phần móng cũ của nhà ngục, hoài niệm lại, nơi đây đã có thời điểm giam giữ số lượng 120 tù nhân, bao quanh là những cột hàng rào gỗ và dây thép gai chằng chịt. Nhìn nó chúng ta mới thấy hết sự khắc nghiệt của nhà ngục lúc bấy giờ. Sự khắc nghiệt là thế nhưng không làm lung lay ý chí chiến đấu của những nhà cách mạng kiên trung, luôn chiến đấu vì nền độc lập tự do cho dân tộc. Những con người ấy có thể kể đến là Lê Nam Thắng, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Dực… 
Bên trong quần thể khu nhà Ngục ĐăkMil
 
Được xây dựng trên 1 héc ta Nhà ngục Đắk Mil gồm 9 gian, vách gỗ, mái lợp tranh, xung quanh là hàng rào dây thép gai, bên trong có 2 dãy sàn gỗ làm chỗ ngủ cho tù nhân, có cùm chân, xiềng tay. Tại đây, thực dân Pháp đã thực hiện một chế độ lao tù hết sức khắc nghiệt và tàn bạo, mỗi tù nhân chỉ được phát một mảnh chăn mỏng, một chiếc chiếu và một bát cơm mỗi ngày. Hằng ngày, tù nhân phải đi lao dịch nặng nề, trong khi xiềng tay chân và bị lính canh gác chặt chẽ, tối phải ngủ trong tư thế bị cùm.
 
Năm nào cũng vậy, người lính già Cao Đắc Chí (người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Vị Xuyên năm xưa) lại đến địa chỉ này để xem lại một thời hào hùng của đồng chí, đồng đội, hơn ai hết ông cảm nhận rõ lý tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu, sự hy sinh lớn lao của các cựu tù nhân ngày ấy. 
Tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng

 

Những ngày tháng Tám, đến Ngục Đăk Mil càng hiểu và cảm nhận rõ hơn truỳên thống yêu nước ngàn đời của dân tộc; rõ hơn những hy sinh, mất mát mà cha ông phải đánh đổi cho thế hệ  hôm nay hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong hoà bình.  Đây chính là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ thêm yêu đất nước, tự hào với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
 
Hoàng Nhân