TIÊU ĐIỂM

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày đăng 10/11/2017 | 09:27  | View count: 4000

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 9/11 Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu ý kiến.

Đồng chí Ngô Thanh Danh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận về Dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
 

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh phân tích, dự thảo luật cần nêu rõ việc xử lý tài sản bất minh. Nếu người kê khai không giải thích rõ được nguồn gốc tài sản thì phải sung vào công quỹ nhà nước. Bên cạnh đó, đối với các vấn đề như thanh toán qua tài sản, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, hình thức kê khai, cơ quan kiểm soát, thẩm quyền cơ quan quản lý tài sản, công tác xác minh, chủ thể thi hành pháp luật… cơ quan soạn thảo Luật cũng phải giải trình sao cho chặt chẽ và dễ hiểu hơn.

Về việc kê khai, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần phải áp dụng công nghệ thông tin vào việc kê khai hồ sơ cán bộ công chức, để kiểm soát tốt hơn. Đối với vấn đề xác minh, quan trọng nhất là phải dẫn ra được sự vô lý và tìm hướng xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, đó mới là điều cử tri mong muốn.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra đại biểu Võ Đình Tín nhấn mạnh, dự thảo luật nêu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giữ lại để tự kiểm tra xác minh sẽ dẫn đến việc xử lý kéo dài và gây khó khăn cho các hoạt động điều tra sau này. Thực tế, đa số các vụ tham nhũng đều phức tạp, tập trung vào những người có chức có quyền, nên rất khó cho công tác điều tra… Do đó, nên giữ nguyên quy định luật Phòng chống tham nhũng hiện hành để xử lý việc tham nhũng qua phát hiện của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, các đại biểu tỉnh Đắk Nông cũng nhận định Luật phòng chống tham nhũng là một Luật rất quan trọng được nhân dân hết sức kỳ vọng, các quy định của luật cũng sẽ tác động trực tiếp đến nhiều quyền cơ bản của công dân như  quyền về tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền bí mật của đời tư... Mặc dù vậy, qua nghiên cứu và ý kiến thảo luận của các đại biểu thì hiện nay dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm chưa có tính hợp lý cao, cần được tiếp tục thảo luận và bổ sung. Do đó, các đại biểu thống nhất cao với việc thông qua dự án Luật này trong 3 kỳ họp.