Tổng quan về Đắk Nông
TIÊU ĐIỂM
Chiều 07/11, các đại biểu tham dự Kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 Khóa XIV đã thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Đại biểu Võ Đình Tín – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu, phân tích để làm rõ thêm và bổ sung nhận định, đánh giá về tình hình và kết quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm 2017 và những năm tiếp theo.
Cổng TTĐT tỉnh Đắk Nông xin giới thiệu nội dung phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín.
Đại biểu Võ Đình Tín - Trưởng Đoàn Quốc hội tỉnh Đắk Nông |
1. Một số vấn đề chung
Trước hết, tôi thống nhất cao Báo cáo của Chính phủ đã phản ảnh khá bao quát, toàn diện tình hình; nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo trong năm 2017; thể hiện được những cố gắng nỗ lực của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, một số nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tích cụ thể như: một số thông tin, số liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phân tích đánh giá những kết quả đạt được và những nguyên nhân, hạn chế; số lượng vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của từng Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được phận tích rõ. Đây là những thông tin cần được cung cấp cho đại biểu Quốc hội biết, thảo luận kỹ hơn, chi tiết hơn và còn là một kênh thông tin phục vụ công tác giám sát tại từng Bộ, ngành, địa phương, nhất là hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Mặt khác, việc phân tích các số liệu để có những nhận định cũng chưa được kỹ càng, nhiều nhận định thiếu tính định lượng nên chưa thực sự thuyết phục.
2. Về tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tôi cơ bản tán thành với nhận định "tình hình khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt". Tuy nhiên, tôi xin phân tích để làm rõ thêm và bổ sung nhận định, đánh giá về tình hình và kết quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm 2017 và những năm tiếp theo.
Về định lượng: Theo Báo cáo số 200/BC-CP ngày 12/10/2011 của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2011 cho thấy. Từ năm 2011 đến nay số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên tục giảm, nhiều năm có mức giảm sâu; so với năm 2011, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước đã giảm đến 60%, tức là số vụ việc khiếu nại, tố cáo của năm nay chỉ bằng 40% của năm 2011 (cụ thể, số vụ việc phát sinh năm 2011 là 77.786, năm 2017 là 31.142). Như vậy, nếu nhìn từ góc độ này, với những con số đó, cho thấy số vụ khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Có được kết quả đó là do sự nỗ lực của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở góc độ khác, tôi đề nghị phân tích sâu hơn về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2017, nhất là đối với những biến động lớn về số liệu so với kết quả các năm trước đây; một số vụ khiếu nại, tố cáo bức xúc, nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm.
Về định tính: Tôi cho rằng cùng với sự phát triển của xã hội các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, công tác quản lý hành chính nhà nước nói riêng luôn dần được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động công khai, minh bạch, phục vụ người dân hơn nên số vụ việc khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng tính chất khiếu nại, tố cáo của năm nay có phần phức tạp và gay gắt hơn; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp vẫn còn nhiều; một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng. Đề nghị phân tích làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo giảm nhưng số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người 10,2% so với năm 2016 để có giải pháp khắc phục có hiệu quả và có tính khả thi hơn.
3. Nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo
Tôi thống nhất cao với những nguyên nhân đã nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn bất cập, trong đó có cả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết chưa triệt để, chưa "thấu tình, đạt lý" làm cho khiếu nại, tố cáo thêm kéo dài, nhiều khi làm người dân mất lòng tin vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước.
4. Về giải pháp và kiến nghị
Tôi tán thành với ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Báo cáo của Chính phủ đã nêu là đầy đủ. Đề nghị mỗi Bộ, ngành, địa phương cần phải xác định rõ trách nhiệm, đề ra các giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình trong từng thời điểm; đồng thời, tiến hành triển khai đồng bộ và có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước.