TIÊU ĐIỂM

Đại biểu Võ Đình Tín tham gia phát biểu về cải cách thủ tục hành chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV
Ngày đăng 30/10/2017 | 15:56  | View count: 4595

Sáng ngày 30/10, đại biểu Võ Đình Tín tham gia phát biểu về cải cách thủ tục hành chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.

Đồng chí Võ Đình Tín tham gia phát biểu về cải cách thủ tục hành chính tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV

 

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, tôi cơ bản tán thành các nội dung nêu trong báo cáo.

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, công tác chỉ đạo điều hành về cải cách bộ máy hành chính nhà nước được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và sâu sát. Chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn đã được tách bạch, không còn chồng chéo, đùn đẩy công việc lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần rất lớn vào chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắp phục, đó là: Sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa thật sự quyết liệt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cơ quan đầu mối; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách bộ máy hành chính nhà nước chưa toàn diện. Việc tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 07/4/2015 của Bộ Chính trị vẫn chưa đạt được mục tiêu của kế hoạch đặt ra. Công tác quy hoạch, bố trí, phân công nhiệm vụ và quản lý cán bộ, công chức ở một số nơi chưa thật chặt chẽ, một số nơi bổ nhiệm cán bộ cấp cơ sở còn thiếu nhiều tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt là thiếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc tách ra, nhập vào nhiều lần có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của tổ chức. Việc đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc của một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Chủ trương, chính sách tinh giản biên chế là đúng đắn nhưng tiêu chí, điều kiện đặt ra còn khắt khe nên việc thực hiện đạt kết quả chưa cao.

Do đó tôi kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo mấy vấn đề sau:

Một, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện chuyển đổi sang tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là giáo dục và y tế, để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện. Từ đó, tăng dần tính tự chủ tài chính theo hướng bảo đảm chi thường xuyên, giảm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, hướng đến đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên.

Hai, đổi mới tổ chức bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xem xét mở rộng tiêu chí, điều kiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện đồng bộ các biện pháp để thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Ba, đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và điều hành công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra; đề cao vai trò chủ động, tinh thần, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Bốn sớm có hướng dẫn số lượng biên chế tối thiểu theo từng vị trí việc làm công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính để áp dụng thống nhất trong quản lý biên chế công chức. Đồng thời, phải thống nhất trong toàn hệ thống từ cơ quan Đảng đến Nhà nước về số lượng cấp phó, về chức danh "Hàm" trong các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo việc thực hiện tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Năm, đăng ký lộ trình chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động sang đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ(nếu đủ điều kiện ).

Sáu, thực hiện nghiêm túc Thông báo số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", trong đó có nội dung: " không tổ chức thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý theo các đề án do địa phương, đơn vị, ... tự xây dựng".

Tôi hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Văn Nam