Tổng quan về Đắk Nông
TIÊU ĐIỂM
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, tiềm ẩn những rủi ro. Trong bối cảnh này, các tổ chức tín dụng đã có những biện pháp siết chặt quy định cho vay trong lĩnh vực này.
Thận trọng ngay từ ban đầu
Thời gian qua, giá đất ở Đắk Nông tăng chóng mặt. Hiện tượng đầu cơ, "lướt sóng" đã và đang làm lũng đoạn thị trường đất, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để tăng cường quản lý thị trường này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Các ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán… Trên tinh thần đó, các tổ chức tín dụng đã thận trọng hơn trong cho vay lĩnh vực này.
Các dự án đầu tư trực tiếp vào BĐS trên địa bàn Đắk Nông chưa nhiều, nhưng các tổ chức tín dụng vẫn rất thận trọng |
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông, đến hết tháng 3/2022, dư nợ tại đơn vị đạt trên 5.700 tỷ đồng. Trong số này, dư nợ về lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khá nhiều.
Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc BIDV Đắk Nông, đối với lĩnh vực cho vay BĐS, đơn vị rất thận trọng. BIDV Đắk Nông luôn rà soát, thẩm định kỹ những khách hàng có nhu cầu kinh doanh BĐS.
Dư nợ lĩnh vực BĐS tại BIDV chi nhánh Đắk Nông chiếm tỷ trọng không lớn nhưng đơn vị rất chặt chẽ thẩm định ở lĩnh vực này |
"Chúng tôi "soi" thật kỹ yếu tố đầu vào của khách hàng, nhất là về giá trị tài sản bảo đảm. Trên cơ sở này, BIDV Đắk Nông xem xét hạn mức phù hợp, nhằm kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Những trường hợp khách hàng chuyên về đầu tư, kinh doanh BĐS, nhưng mục đích không rõ ràng, nguồn thu không ổn định, chúng tôi từ chối luôn", ông Cường cho biết.
Đồ họa: VD-NL |
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Đắk Nông, lâu nay cũng rất thận trọng đối với lĩnh vực này.
Theo ông Trần Đình Tiến, Giám đốc HDBank Đắk Nông, chi nhánh rất đề phòng trường hợp khách hàng lợi dụng chính sách, vay vốn giá rẻ để đầu tư kinh doanh BĐS.
Đồ họa: VD-NL |
Chi nhánh kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp cán bộ tín dụng có vi phạm về cấp tín dụng do nguyên nhân chủ quan, "móc nối" với khách hàng.
"Chúng tôi thực hiện thẩm định chặt chẽ phương án, dự án vay vốn của khách hàng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định. Với những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn, mục đích vay không phù hợp, chúng tôi kiên quyết từ chối", ông Tiến khẳng định.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế, xã hội diễn ra vào ngày 5/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản. |
Kết hợp báo cáo từ xa với thanh tra tại chỗ
Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Hồ Hữu nhấn mạnh, so với các địa bàn khác, tại Đắk Nông, các dự án đầu tư trực tiếp vào BĐS không nhiều.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà các tổ chức tín dụng "nới lỏng" cho vay. Ngược lại, ngành ngân hàng trên địa bàn đã có những cảnh báo từ trước, nên "room" tín dụng (giới hạn cho vay) ở lĩnh vực này vẫn được kiểm soát khá chặt chẽ.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa lĩnh vực cho vay BĐS. Ngoại trừ trường hợp cho vay đối với các nhu cầu cấp thiết, phục vụ nhu cầu đời sống như: xây mới, sửa chữa nhà ở…", ông Hữu khẳng định.
Đồ họa: BM-NL |
Cũng theo ông Hữu, về phía Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả giám sát. Trên cơ sở này, đơn vị có những cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn sớm, nhằm hạn chế rủi ro trong tăng trưởng tín dụng lĩnh vực này.
Các đợt thanh tra, kiểm tra mà Ngân hàng Nhà nước triển khai đều thực hiện lồng ghép theo các đối tượng cho vay của các tổ chức tín dụng.
"Chúng tôi phối hợp cả báo cáo từ xa cùng với thanh tra tại chỗ. Khi phát hiện tổ chức tín dụng nào có tăng trưởng cao, đột biến, chúng tôi kịp thời cảnh báo ngay để các ngân hàng hạn chế cho vay", ông Hữu cho biết thêm.
Đối với những khách hàng có mục đích vay vốn không rõ ràng, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh kiên quyết từ chối ngay |
Mục tiêu đặt ra của hệ thống ngân hàng Đắk Nông năm 2022 là tăng trên 10% so với năm 2021. Nhiều giải pháp đang được các tổ chức tín dụng triển khai để đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên, các ngân hàng không vì thế mà thuận tay "nới lỏng" quy định về tín dụng đối với khách hàng, nhất là ở lĩnh vực BĐS hiện nay.
Thay vào đó, các tổ chức tín dụng chú trọng nguồn vốn vào những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp xuất khẩu...
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Từ đây, Ngân hàng Nhà nước tỉnh định hướng các tổ chức tín dụng tập trung đầu tư vốn có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Đến hết tháng 3/2022, dư nợ toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn Đắk Nông là 35.980 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, riêng dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS nói chung là 2.930 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,14% tổng dư nợ. |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử