TIÊU ĐIỂM

Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Ngày đăng 23/10/2017 | 07:57  | View count: 3645

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV khai mạc vào sáng 23/10, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 24/11.

Trong phiên khai mạc được truyền hình, phát thanh trực tiếp vào sáng 23/10, sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

 

Theo chương trình dự kiến, trong 26 ngày làm việc, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, Quốc hội còn tập trung thời gian cho việc thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự.

Thông qua 6 luật, 12 nghị quyết

Tại buổi họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày làm việc để xem xét, thông qua hoặc cho ý kiến về các dự án Luật.

Cụ thể, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thông qua 6 dự án Luật, 12 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật khác.

Các dự án Luật được xem xét thông qua gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số diều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Các dự án Luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội dành khoảng 15 ngày làm việc để tiến hành công tác giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, về các vấn đề kinh tế -xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định một số dự án quan trọng của đất nước như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.

Tiến hành giám sát tối cao về cải cách bộ máy

Về hoạt động giám sát của Quốc hội, do đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội dành nhiều thời gian để xem xét các báo cáo công tác.

Trong đó Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Trong đó có một số báo cáo lần đầu được thảo luận tại kỳ họp như Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017; Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016.

Sẽ chất vấn dài hơn

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chất vấn duy trì 3 ngày, dù không tăng số lượng thành viên Chính phủ nhưng sẽ chất vấn dài hơn để các đại biểu Quốc hội có điều kiện trao đổi kỹ hơn, sâu hơn, nhiều hơn về các vấn đề mà nhân dân quan tâm.

Phê chuẩn bổ nhiệm 2 "tư lệnh" ngành

Về công tác nhân sự, dự kiến từ 16h15 ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Tiếp đó, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Chiều 25/10, Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ...

Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Kỳ họp "3 mới"

Theo Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trong công tác tổ chức kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trên cơ sở kinh nghiệm từ các kỳ họp Quốc hội trước đây, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới trong công tác tổ chức kỳ họp.

Một là, tiếp tục giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận. Cụ thể, tại kỳ họp này, các báo cáo tóm tắt được trình bày trước Quốc hội sẽ được bảo đảm kéo dài không quá 15 phút để dành nhiều thời gian cho đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về các nội dung của các dự án, báo cáo.

Hai là, thời gian thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 được tăng lên thành 2,5 ngày làm việc.

Việc bố trí thêm thời gian thảo luận về nội dung này là nhằm tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội có thể trình bày thêm được nhiều ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước.

Ba là, tăng thời gian truyền hình trực tiếp các nội dung của kỳ họp. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhằm góp phần thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác về các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đến đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Văn phòng Quốc hội tiếp tục tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí kỳ họp.

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, nắm bắt kịp thời nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự, Quốc hội dự kiến bố trí 11 ngày trong tổng số 26 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp về 13 nội dung, trong đó có 2 nội dung lần đầu tiên bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội đó là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo chinhphu.vn