TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN

UBND tỉnh Đắk Nông làm việc với Đoàn khảo sát hang động quốc tế
Ngày đăng 06/04/2018 | 16:00  | View count: 9364

Ngày 07/4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi làm việc với Đoàn khảo sát hang động quốc tế do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập để nghe báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát hang động tại khu vực huyện Krông Nô.

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh và Trương Thanh Tùng đồng chủ trì hội nghị.
 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo nhanh kết quả khảo sát của đoàn sau 2 tuần làm việc

Theo đó, được sự đồng ý cho phép của UBND tỉnh, từ ngày 23/3 đến 05/4/2018, Đoàn khảo sát hang động quốc tế do Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) thành lập, với sự tham gia của 4 chuyên gia quốc tế cùng các chuyên gia của Viện, đã tiến hành đo vẽ các hang động tại khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.  

Việc làm này nhằm cung cấp một cuộc khảo sát toàn diện và chi tiết hơn tất cả các hang động núi lửa trong khu vực Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô, là cơ sở để bảo vệ và sử dụng các hang động có liên quan. Mục đích khác là để có được bản đồ hiện đại của nhiều hang động nhất có thể và một bản trích dẫn đáng tin cậy về tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống hang động trong công viên địa chất; đồng thời cung cấp sự đánh giá về việc sử dụng các hang động cho mục đích du lịch; thu thập dữ liệu để chứng minh tính đa dạng sinh học của hang động, phục vụ quá trình nộp hồ sơ cho UNESCO.

Đoàn khảo sát giới thiệu những hình ảnh tư liệu ghi lại được trong quá trình khảo sát 


Trong thời gian 2 tuần làm việc, Đoàn đã tiến hành khảo sát, đo vẽ được 32 hang động (trong đó có 7 hang phát hiện mới), với tổng chiều dài đo vẽ được khoảng 2.800m. Như vậy, tính từ năm 2012 đến nay, số lượng hang động được các đoàn khảo sát quốc tế khảo sát và đo vẽ tại khu vực CVĐC Krông Nô là 48 hang, với tổng chiều dài được đo vẽ khoảng 9.573 m.

Theo đánh giá của các chuyên gia của Đoàn, hệ thống hang động núi lửa ở khu vực Krông Nô là hệ thống hang độc đáo và dài nhất ở khu vực Đông Nam Á (ĐNA), với các hang động phân bố dày đặc; trong đó bao gồm hang C7 có chiều dài lên đến 1.067m được coi là hang động dài nhất từng được phát hiện ở ĐNA. Chưa kể, đối với việc tìm thấy các di chỉ khảo cổ trong các hang động núi lửa thì tính đến nay đây là lần đầu tiên và duy nhất có tại khu vực ĐNA. Bên cạnh đó, việc phát hiện vô số loài sinh vật trú ngụ trong các hang động trong quá trình khảo sát của Đoàn cũng được coi là những bằng chứng thuyết phục về sự đa dạng sinh học của khu vực này. 

Những kết quả khảo sát trên sẽ được Đoàn gửi các chuyên gia nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo và bàn giao cho UBND tỉnh Đắk Nông trước tháng 8/2018.

Các chuyên gia quốc tế tham gia đợt khảo sát đánh giá cao về giá trị địa chất của các hang động núi lửa trong khu vực Krông Nô
 

Tại đây, Đoàn đã phân tích đặc điểm của các hang động và khu vực khảo sát, trên cơ sở đó, đề xuất tỉnh đưa vào sử dụng và phát triển loại hình du lịch sinh thái đối với các khu vực: Hang động C3, C4 kết hợp với thác Đray Sáp; hang C8, C9 kết hợp với núi lửa Chư B'luk; đồng thời, Đoàn cũng đề xuất tỉnh xem xét phát triển hơn nữa việc nghiên cứu về khảo cổ ở hệ thống hang động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu tại buổi làm việc
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cảm ơn sự hợp tác của các chuyên gia quốc tế và ghi nhận những kết quả nghiên cứu bước đầu, cũng như những kiến nghị, đề xuất của Đoàn. Đặc biệt, những kết quả trên sẽ là điểm cộng cho bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu và hỗ trợ tỉnh trong việc hoạch định chính sách cho việc khai thác bền vững các di sản tự nhiên trong khu vực. Tỉnh cũng mong muốn đoàn sẽ tiếp tục phối hợp và cung cấp một số thông tin quan trọng để bổ sung, làm phong phú thêm những giá trị địa chất, địa mạo, tiềm năng phát triển du lịch trong khu vực nhằm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp nhận toàn bộ kết quả làm việc của Đoàn khảo sát, kết hợp với kết quả nghiên cứu của đề tài "Nghiên cứu điều tra đánh giá di sản địa chất xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô" do Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam làm chủ đề tài để đưa vào hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất núi lửa Krông Nô – Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh việc xây dựng, phát triển du lịch đối với các địa điểm trong khu vực được Đoàn đề xuất.

Sam Nguyễn