TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN
Ngày 29/11/2022, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 717/KH-UBND thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo Kế hoạch, các nội dung, nhiệm vụ đề ra phải thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thông qua việc triển khai Chương trình, từng bước hình thành mô hình nông thôn mới thông minh; nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới bền vững; xác định cụ thể lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, chất lượng; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.
(Ảnh minh họa)
Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra 05 nhiệm thực hiện Chương trình, cụ thể:
1. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới:
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: tổ chức các hoạt động tọa đàm, diễn đàn chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các sự kiện, Hội nghị, Hội thảo về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tăng thời lượng, số lượng tin, bài phản ánh hoạt động chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay về chuyển đổi số, giúp người dân nông thôn hiểu rõ lợi ích của việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số sẽ phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế và đời sống của mình. …
Tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: nghiên cứu xây dựng, biên soạn tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tài liệu về phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia chuyển đổi số để góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững; tổ chức các Hội nghị, các đợt tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số (bao gồm cả thương mại điện tử), khả năng tiếp cận thông tin cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã), doanh nghiệp, người dân và cộng đồng ở khu vực nông thôn …
2. Nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý và các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thực hiện Chương trình gắn với việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo các quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
3. Triển khai áp dụng và nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thẩm định, công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới: triển khai áp dụng hệ thống báo cáo, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông từ cấp xã đến Trung ương để phục vụ công tác quản lý, hoạt động đánh giá, thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; theo dõi, giám sát việc thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp và nhiệm vụ thuộc các Chương trình chuyên đề do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, quản lý; triển khai áp dụng hệ thống Bản đồ số về kết quả xây dựng nông thôn mới, nhằm phục vụ công tác quản lý, tra cứu, tuyên truyền về kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, quản lý ...
4. Xây dựng thí điểm một số mô hình chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới: Nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình xã/thôn nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…); Đề xuất và tham gia thực hiện mô hình chỉ đạo điểm của trung ương về xây dựng xã nông thôn mới thông minh; xây dựng mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân).
5. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình và xây dựng thí điểm các mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đề xuất ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 – 2030 trên cơ sở hướng dẫn, định hướng của Trung ương, đảm bảo phù hợp với thực tế của địa phương.
Nguồn vốn thực hiện được trích từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương phân bổ trực tiếp hàng năm cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đang thực hiện trên địa bàn; khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia trực tiếp Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật.
Tiến Đạt