TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN

Quy định mới về chính sách tiền lương; công tác tổ chức, cán bộ có hiệu lực từ tháng 11/2022
Ngày đăng 26/10/2022 | 08:01  | View count: 41803

Từ tháng 11/2022, một số chính sách tiền lương, tổ chức, cán bộ sẽ có hiệu lực.

3 nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương CBCCVC Nhà nước quy định

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.

Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

- Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.

Tiền lương tăng thêm không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ;

Không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Điều kiện thành lập, sáp nhập đơn vị sự nghiệp ngành công thương

Thông tư 16/2022/TT-BCT về quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương có hiệu lực từ ngày 23/11/2022.

Thông tư quy định rõ, việc thành lập đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định các điều kiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực công thương được sáp nhập, hợp nhất khi không đáp ứng được một trong các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của đơn vị; trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập, hợp nhất sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục

Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.

Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ  có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (22) là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị quy định từ (23) đến (27) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1-2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp

Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là:

1- Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.

2- Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3- Quản lý nhà nước về bảo hiểm.

4- Quản lý nhà nước về hải quan.

5- Quản lý nhà nước về giá.

6- Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

7- Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

8- Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

9- Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

10- Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.

11- Quản lý nhà nước về tài sản công.

Trong thời hạn đủ 12 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về tài sản công không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quan lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trưóc đây mình có trách nhiệm quản lý.

Các trường hợp còn lại như đã nêu ở trên (kế toán kiểm toán, thuế, hải quan…), trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quan lý, điều hành doanh nghiệp.

Quy định mới chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp huyện

 Theo Thông tư 03/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, từ ngày 11/11/2022, thực hiện quy định mới về chức năng, nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện.

Cụ thể, về vị trí và chức năng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng; kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; vật liệu xây dựng trên địa bàn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo ủy quyền của UBND cấp huyện và theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực khác thuộc Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tương ứng.

Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu, có tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức và công tác của UBND cấp huyện; chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND cấp huyện có 20 nhiệm vụ, quyền hạn.

Trong đó, tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép xây dựng công trình và kiểm tra việc xây dựng công trình theo giấy phép được cấp trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.

Tham mưu, giúp UBND cấp huyện lập chương trình phát triển đô thị; phối hợp trong quá trình lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị; tham gia lập đề án công nhận đô thị loại V trên địa bàn.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của Phòng cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn...

Theo chinhphu.vn