TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN
Sáng ngày 12/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì và chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự tại Điểm cầu tỉnh Đắk Nông đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm học 2021-2022, là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XXIII của Đảng. Đây là năm thứ hai ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phúc tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của ngành. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều thán liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đổi mục tiêu chất lượng.
Năm học 2021-2022, giáo dục mầm non trên cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 713/713 đơn vị cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,994% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%; Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được hoạc 2 buổi/ngày đạt 99,9%.
Giáo dục phổ thông cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cấp giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 40% (tăng 5% so với năm học trước). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp THPT của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 98,7%,… Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng thí sinh đang ký dự thi. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi.
Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm. Các cơ sở giáo dục đã được tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt và tình hình dịch bện Covid-19 tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng, chất lượng. đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 44/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,84% (tăng 15,88% so với năm học 2020-2021),…
Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 01 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND, Sở GD-ĐT một số tỉnh, thành phố và các đơn vị giáo dục đã trình bày tham luận về tình hình triển khai nhiệm vụ cũng như khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành Giáo dục. Ngoài sự tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện nay nhiều địa phương đối diện với tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp và giáo viên nghỉ việc vì thu nhập không bảo đảm…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị, đồng chí Vũ Đức Đam nhấn mạnh năm học này là năm học đại khó do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng ngành giáo dục vẫn duy trì được thứ hạng quốc tế và đạt kết quả cao trong các cuộc thi. Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới căn bản, toàn bám sát Nghị Quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; chủ động phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục có chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm đúng quy định; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nắm cơ sở dữ liệu về dân cư, từ đó quy hoạch cơ sở vật chất trường lớp, giáo viên để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; phân bổ, tuyển dụng số lượng biên chế mới được bổ sung; rà soát các tiêu chuẩn để xây dựng trường chuẩn quốc gia đúng thực chất; tập trung dạy bù kiến thức cho học sinh sau đại dịch,…
Huy Hoàng