THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 06/01/2020 | 15:22  | View count: 62033

Thực hiện chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh vừa ban hành Công văn chỉ đạo các cơ quan có liên quan khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh; Theo đó:

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường kiểm tra chất lượng dạy học các môn học xã hội, trong đó tập trung các môn: Lịch sử, Ngữ văn, Anh văn và Giáo dục công dân; tăng cường đánh giá chất lượng dạy học môn tiếng Anh tại bậc tiểu học và tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm đối với giáo viên, nhân viên và người lao động nghỉ việc do tinh giản biên chế và sáp nhập trường, các điểm trường lẻ theo Quyết định số 1331/QĐ-UBND ngày 19/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô điểm trường, lớp học các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu phù hợp với thực tế; tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét việc thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục trong các năm cuối giai đoạn 2020 - 2021 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tập trung quy hoạch, bố trí quỹ đất cho trường học bảo đảm để xây dựng trường chuẩn quốc gia; tiếp tục ưu tiên, phân bổ ngân sách để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình, hạng mục thực sự cần thiết như: Hệ thống cổng, tường rào; ưu tiên xây dựng phòng học, phòng chức năng đáp ứng dạy học theo đúng lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn chỉnh các khu vệ sinh, hệ thống nước sạch theo quy mô chuẩn, mở rộng mô hình học 2 buổi/ngày đối với giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nhất là đối với những nơi có điều kiện kinh tế phù hợp để xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên nguồn vốn cho những xã vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân khó khăn, nhằm từng bước giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất. Nắm bắt tình hình tổ chức giảng dạy và sinh hoạt tại các trường tư thục; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Kiểm tra tình hình thu đầu năm học, báo cáo cấp ủy cùng cấp để có biện pháp giải quyết kịp thời đối với những trường tổ chức thu không đúng quy định, gây bức xúc trong nhân dân; Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng giáo dục định hướng nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp ở bậc giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông; tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho lao động gắn với nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo tại các doanh nghiệp; khuyến khích việc đào tạo nghề truyền thống, đào tạo nghề cho lao động tham gia vào các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế đặc thù của từng địa phương,...; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các trường hợp trường học xây dựng trên đất quốc phòng.

Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên, trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

H.M