THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Giá trị lịch sử, khoa học của Căn cứ kháng chiến Nâm Nung
Ngày đăng 21/03/2022 | 10:25  | View count: 9545

Nắm vững học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề căn cứ địa cách mạng, hậu phương của chiến tranh cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã chủ động lãnh đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, coi đó là một bộ phận quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân chống xâm lược. Sau sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các căn cứ địa ra đời trên cả nước như: Việt Bắc, Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, U Minh, Dương Minh Châu…, bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên địa bàn Tây Nguyên, Đảng ta đã lựa chọn và chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng, trong đó có Căn cứ kháng chiến Nâm Nung. Trải qua quá trình xây dựng, vận động, phát triên, nơi đây đã chứng minh về những giá trị lịch sử và khoa học của căn cứ kháng chiến này.

Chỉ thị của Ban Bí thư gửi Xứ ủy miền Nam, ngày 7-5-1959 nêu rõ nhiệm vụ đối với cách mạng miền Nam là "Ra sức xây dựng căn cứ địa cách mạng", cần phải lập căn cứ cách mạng ở cả miền Đông, miền Tây và miền Trung. Xây dựng căn cứ là để làm cơ sở vững chắc cho lực lượng cách mạng, là chỗ ở vững chắc cho bộ tham mưu, là nơi đào tạo và giáo dục cán bộ, xây dựng lực lượng để tiến tới làm nơi trung tâm hoạt động của mặt trận dân tộc thống nhất,... Phương châm đặt ra "là hết sức bí mật, khéo che giấu lực lượng, gọn nhẹ, lấy công tác chính trị làm cơ sở hoạt động, linh hoạt và cương quyết chống lại địch lúc cần thiết để bảo vệ lực lượng cách mạng".

Đối với địa bàn Tây Nguyên, tháng 5-1959, Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị về nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên. Chỉ thị xác định: "Xây dựng Tây Nguyên, trọng tâm là xây dựng các tỉnh Nam Tây Nguyên trở thành một căn cứ địa vững chắc ở miền Nam, phá vỡ kế hoạch xây dựng trung tâm căn cứ quân sự của Mỹ - Diệm, tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam chuyển sang tiến công địch và tích cực góp phần bảo vệ miền Bắc". "Phương hướng phấn đấu của ta là ra sức xây dựng lực lượng, xây dựng trung tâm căn cứ cách mạng, mở rộng các vùng trọng yếu, tiến lên xây dựng thực hiện chiến tranh du kích cục bộ, làm chủ những vùng rộng lớn ở Tây Nguyên, uy hiếp và thu hẹp vùng kiểm soát của địch, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị toàn miền Nam, sẵn sàng hành động khi có thời cơ", "xây dựng đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây là yêu cầu trước mắt và lâu dài". Đồng thời, Trung ương cũng giao cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk (trong đó có Đắk Nông), Lâm Đồng và miền Đông Nam Bộ, phải đảm trách nhiệm vụ quan trọng này, vì xây dựng căn cứ địa ở Tây Nguyên là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cách mạng miền Nam và cả Đông Dương. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Khu ủy và Tỉnh ủy Đắk Lắk đề ra nhiệm vụ: đẩy mạnh công tác xây dựng miền núi thành căn cứ địa cách mạng. Tỉnh Đắk Lắk triển khai tập trung xây dựng hai khu căn cứ lớn của tỉnh: khu căn cứ phía Bắc là Dleiya và khu căn cứ phía Nam là khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

Tháng 4-1960, Liên Khu ủy V họp kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và quyết định: "Phát động quần chúng ở xa căn cứ miền núi vũ trang chống địch càn quét, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, khẩn trương xây dựng căn cứ địa miền núi", vùng Nâm Nung được chọn là một trong những căn cứ địa của địa bàn Tây Nguyên.

Qua công tác khảo sát địa hình vùng núi rừng Nâm Nung trên bản đồ và thực địa, Lãnh đạo B4 khẳng định: "địch chỉ có khả năng tổ chức càn quét đánh phá vào căn cứ chủ yếu từ hướng Tây và Tây Bắc, chúng sẽ phải lấy đường 14 làm điểm xuất phát". Từ đó xác định xây dựng căn cứ kháng chiến Nâm Nung là địa bàn đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Đức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài, gian khổ, nhiều hy sinh, thử thách. Và quá trình tồn tại và hoạt động của khu Căn cứ kháng chiến Nâm Nung từ khi thành lập đến khi được giải phóng đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương về việc xây dựng căn cứ địa, quyết định đúng đắn của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Quảng Đức về việc chọn Nâm Nung làm căn cứ kháng chiến lâu dài của tỉnh.

Thứ nhất, căn cứ kháng chiến Nâm Nung là căn cứ địa vững chắc của Tỉnh ủy Quảng Đức, nơi xây dựng thực lực cách mạng từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ ít đến nhiều, đập tan các cuộc hành quân càn quét, bắn phá của địch; cũng là nơi dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều đợt tiến công đánh địch với nhiều hình thức, qui mô, làm tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch góp phần thắng lợi chung trong cuộc giải phóng miền Nam, là nơi Tỉnh ủy chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng. Vận động, giác ngộ lòng yêu nước, căm thù địch sâu sắc của nhân dân các dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết đấu tranh đối với đồng bào Tây Nguyên. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung hàm chứa trong nó nhiều sự kiện lịch sử của một thời oanh liệt chống thực dân đế quốc. Đây là một địa bàn chiến lược trọng yếu của cách mạng miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng. 

Căn cứ kháng chiến Nâm Nung được bố trí các khu vực, các cơ quan đứng chân hết sức khoa học mang tính chiến đấu và bí mật cao. Ở khu vực cơ quan Tỉnh ủy B4 và Liên tỉnh IV đóng, nằm lọt vào lòng rừng cây, phía Tây Bắc khoảng 30m là căn hầm tự nhiên trong vách đá, phía trên hầm được phủ một tảng đá lớn, có sức chứa từ 8 đến 10 người, mặt hầm hướng về phía Bắc nằm cạnh kề phụ lưu suối Đăk Đ‘Rouk (nhánh phía Bắc) về hướng Đông chừng 50m, là ngọn thác Len Lep Pêl, có độ cao từ 3,5 - 4m. Sau lưng nhà là đường mòn nhỏ, ăn thông với các bon phía Đông căn cứ, như buôn JRah, buôn R'Kập, buôn Yok You, để lúc có sự cố hay bị địch càn thì các đồng chí lãnh đạo, Ban cán sự B4 và Liên tỉnh IV có thể thoát theo lối này một cách an toàn. Tiếp đến là nơi Ban cán sự tỉnh Quảng Đức và Huyện ủy Đức Lập đóng. Tại đồi Ba Nhác (đồi ba tầng) là hội trường của Huyện ủy Đức Lập, nằm tựa lưng vào dòng chảy của thác Len Lep Pel, đây là nơi đã tổ chức Đại hội Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất (5-9-1969) an toàn, bí mật và thành công. Bếp Hoàng Cầm nằm cách hội trường Huyện ủy khoảng 4,5m về hướng Đông Nam, có diện tích 4m2 (2m x2m), độ sâu 0,5m so với mặt đất, với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", bếp Hoàng Cầm có đặc điểm khi nấu khói sẽ không bốc lên, tránh được sự phát hiện của địch. Bếp và hội trường nằm gần nhau, tạo ra sự liên hoàn trong sinh hoạt, thuận tiện cho việc đi lại phục vụ hậu cần. Mặc dù căn cứ kháng chiến Nâm Nung đã được di chuyển địa bàn để bảo đảm yếu tố bí mật và phù hợp với tình hình chiến trường trong các giai đoạn kháng chiến chống kẻ thù nhưng việc xây dựng, bố trí căn cứ vẫn luôn đảm bảo tính khoa học, quân sự và bí mật an toàn trong suốt những năm căn cứ đảm nhận vai trò căn cứ địa kháng chiến của tỉnh Quảng Đức, của Tây Nguyên.

Dấu tích bếp Hoàng Cầm

                                     
Thứ hai, Căn cứ kháng chiến Nâm Nung là một địa bàn chiến lược trọng yếu của quân và dân Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay). Nơi đây trở thành địa bàn tập kết, là vùng trú quân, chuyển quân, xây dựng, củng cố phát triển lực lượng, tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm, chi viện cho những vùng khác để cứu đói. Nâm Nung còn là vùng địch hậu, nằm giữa vòng vây của địch, sẵn sàng chiến đấu làm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ các cơ quan ban ngành và hành lang chiến lược Bắc - Nam, có đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua, là địa bàn nối liền Quảng Đức với Quân khu V, các tỉnh thuộc Quân khu VI, nối liền Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia. Đồng thời cũng là bàn đạp, chỗ dựa vững chắc phía Nam chiến trường Tây Nguyên, là hành lang chiến lược đưa đón, vận chuyển sức người sức của từ hậu phương lớn miền Bắc XHCN vào miền Nam phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Với một địa thế rừng rậm rạp, núi non hiểm trở, Nâm Nung được chọn làm địa bàn cho các cơ quan Huyện ủy, Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Liên tỉnh,... trú quân, xây dựng căn cứ cách mạng.

Thứ ba, Căn cứ kháng chiến Nâm Nung là nơi đóng góp rất nhiều trong công cuộc chống Mỹ cứu nước; nơi góp phần che chở, nuôi dưỡng, đào tạo cán bộ cách mạng chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vai trò lãnh đạo quần chúng, đấu tranh cách mạng, là hành lang chiến lược của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Trung ương Cục miền Nam. Nâm Nung giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, một địa bàn tác chiến "bất khả xâm phạm" bảo vệ lực lượng các cơ quan đầu não của Đảng. Tăng cường sản xuất, tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm, nuôi dưỡng bộ đội, sẵn sàng phục vụ và chi viện (cứu đói) cho đồng bào các vùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời là cầu nối "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt từ Bắc đến Nam, là hành lang chiến lược đưa sức người sức của từ hậu phương ra tiền tuyến, là bản lề nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, miền Bắc với miền Nam. Đây còn là nơi đưa, đón các đồng chí lãnh đạo từ Trung ương vào thành lập chủ lực Miền, để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, góp phần thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Đây là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, ghi lại những trang sử hào hùng, oanh liệt chống thực dân, đế quốc, là địa điểm hồng phản ánh tư tưởng, đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng: biết dựa vào lợi thế núi non hiểm trở (thiên thời địa lợi) và lòng dân (nhân hòa) làm cơ sở và tiền đề cho thắng lợi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nơi đây là cái nôi nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc cho các đồng chí lãnh đạo Đảng từ Trung ương đến địa phương. Các cơ quan ban ngành Huyện ủy, Tỉnh ủy, Liên tỉnh đã lấy nơi đây làm địa bàn hoạt động. Nhiều cuộc lùng sục, càn quét và phá hoại của địch vào cơ sở ta, nhưng về lực lượng cũng như an ninh, quân sự vẫn được đảm bảo an toàn. Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến Nâm Nung giữ vai trò vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, là nơi xây dựng lực lượng cách mạng và tham gia sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến, cho các vùng khác để cứu đói. Đồng thời cũng là nơi tổ chức các trận đánh lớn ngay trên địa bàn căn cứ, làm tiêu hao sinh lực địch, khai thông đường hành lang chiến lược, phục vụ đắc lực cho chiến trường miền Nam.

Vật dụng và dụng cụ y tế được sử dụng tại Khu di tích căn cứ kháng chiến Nâm Nung

Căn cứ kháng chiến Nâm Nung còn là địa điểm khai thông mở, soi đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, mở các tuyến hành lang quan trọng, nối liền Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, vận chuyển, đưa đón hàng vạn cán bộ, bộ đội, hàng vạn tấn vũ khí, khí tài chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Thứ tư, Căn cứ kháng chiến Nâm Nung là nơi thể hiện tình đoàn kết quân, dân, giữa cán bộ, bộ đội, chiến sỹ với các bon, làng căn cứ, một lòng tin theo Đảng, tin theo cách mạng, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho cách mạng dù phải chịu đựng "đói cơm, lạt muối", rách rưới, ốm đau, kiên cường, bất khuất không chịu đầu hàng địch, không theo địch. Phong trào học bổ túc văn hóa do đoàn công tác đảm nhận vẫn được tổ chức, duy trì đều đặn theo phương châm: người biết chữ dạy người không biết chữ (không chờ đợi phải có giáo viên trường lớp). Những ngày lễ, tết, cơ quan, đơn vị đều tập trung sinh hoạt tập thể, chào cờ, tưởng nhớ lãnh tụ, nghĩ về Tổ quốc, học từng bài hát, từ đó động viên nhau trong công tác và chiến đấu. Tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn giữa các đơn vị, đoàn kết như anh em một nhà, không phân biệt Nam - Bắc, Kinh - Thượng. Tình cảm quân và dân cũng được thể hiện giữa những người đi chiến đấu ở tiền phương và những người phục vụ chiến đấu trong vùng căn cứ Nâm Nung. Đồng bào các bon nhường từng lon gạo, từng lát mỳ khô, phía trước cõng em, phía sau gùi lương thực phục vụ chiến trường. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em Kinh - Thượng, giữa Việt Nam và Campuchia trong tình hữu nghị quốc tế; khẳng định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong việc tổ chức bộ máy lãnh đạo các cấp, xây dựng được thế trận ngay trong lòng dân, tranh thủ sự nhiệt tình ủng hộ của quần chúng nhân dân với cách mạng trong điều kiện hết sức khó khăn.

Chiến tranh đã đi qua, di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến Nâm Nung là sản phẩm và là bằng chứng thiết thực mang dấu ấn của thời đại, tiềm ẩn trong nó những giá trị lịch sử, khoa học cao quí, tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh gian khổ của lớp lớp cha anh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Hiện nay, Căn cứ kháng chiến Nâm Nung là một trong những di tích lịch sử được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang trở thành điểm du lịch về nguồn, nơi đây đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư, tôn tạo, tái hiện lại khu di tích, như quang cảnh hội trường (nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đức lần thứ Nhất), hệ thống hầm hào, bếp Hoàng Cầm, khu Tỉnh ủy, Tỉnh đội …Việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo và nâng cao hiệu quả của di tích lịch sử này cùng với hệ thống các di tích lịch sử khác trong tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, từ đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do cho các tầng lớp nhân dân các dân tộc, phát huy cho thế hệ trẻ tinh thần anh dũng bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha anh ngàn đời không mai một, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em, truyền thống yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.


Phạm Lục