THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

“Đền ơn đáp nghĩa” - Giá trị quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Ngày đăng 14/07/2021 | 09:24  | View count: 40606

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành lối sống và nếp nghĩ của mỗi người dân Việt Nam. Truyền thống ấy, đạo lý ấy lại càng được thể hiện mạnh mẽ hơn khi mỗi độ tháng Bảy về. Tháng mà các ban, ngành, đoàn thể, quân và Nhân dân cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng cùng đồng lòng triển khai tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” để tri ân, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng.

Nói về sự hy sinh của các chiến sỹ trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh, liệt sĩ" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với đất nước. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 27/7/1947 được chọn là  "Ngày Thương binh toàn quốc". Đến năm 1955, "Ngày Thương binh toàn quốc" được đổi tên thành  "Ngày Thương binh - Liệt sĩ".

Hội Thầy thuốc trẻ tổ chức hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, thăm tặng quà và khám bệnh miễn phí tại nhà cho các gia đình chính sách tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô vào ngày 08/7/2021


Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 8.009 gia đình người có công với cách mạnh, 06 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1.500 gia đình liệt sỹ, 798 gia đình thương binh. Có 05 nghĩa trang liệt sỹ, 22 bia tưởng niệm và 05 đài tưởng niệm. Với truyền thống và đạo lý của dân tộc, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia, mang hiệu quả và thiết thực như: nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng suốt đời; xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; việc thực hiện chi trả chính sách người có công với cách mạng luôn đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả; một số hoạt động được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể duy như: tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; tổ chức gặp mặt của các cấp ủy đảng, chính quyền được tổ chức thường xuyên, kịp thời gắn với các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm hàng năm... 

Để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông đã ký kết các chương trình phối hợp với các đoàn thể và các ngành chức năng như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh… nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống. Định kỳ phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức hoạt động giao lưu, gặp mặt, tọa đàm giữa các Cựu chiến binh chống Pháp với đoàn viên thanh niên nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hàng năm. Các phong trào như: tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc; tôi yêu Tổ quốc tôi; nghìn việc tốt trong thiếu niên nhi đồng; cuộc vận động thanh niên Đắk Nông sống đẹp, sống có ích; cuộc vận động xây dựng giá trị hinh mẫu thanh niên thời kỳ mới; hoạt động về nguồn, hành trình về địa chỉ đỏ… được triển khai cụ thể trong từng đối tượng đoàn viên, thanh thiếu niên.
Các cơ sở đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động đăng kí đảm nhiệm phần việc thanh niên chăm sóc, tạo cảnh quan nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ thông qua các hoạt động đồng loạt ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh. Hoạt động giúp đỡ ngày công lao động trong thu hoạch, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đối với gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở Đoàn duy trì; hoạt động khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho các cựu chiến binh, thương binh gia đình có công với cách mạng được các thầy thuốc trẻ tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được triển khai thường xuyên. Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7) hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh tổ chức đồng loạt tuần "Đền ơn đáp nghĩa"; chỉ đạo tổ chức đồng loạt lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ vào tối ngày 26/7 hàng năm. Hoạt động này được duy trì từ năm 2009 đến nay, đã tạo dấu ấn sâu sắc trong đoàn viên thanh niên thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ hôm nay đối với lớp lớp cha anh đã hy sinh để cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do như ngày hôm nay.

Hoạt động thắp nến tri ân và dâng hương vào tối ngày 26/7 hàng năm được duy trì đồng loạt trên địa bàn tình từ năm 2009 đến nay


Để truyền thống và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chăm sóc, giúp đỡ gia đình, người có công với đất nước. Huy động được sức mạnh của toàn xã hội và trở thành công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, được phát triển từ thôn, buôn, bon, khu phố, trong cá tầng lớp nhân dân… thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển; nhiệm vụ và giải pháp cơ bản nhiệm kỳ 2020 - 2025 được nêu ra trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT/TTg, ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ "về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)". Duy trì và thực hiện có hiệu quả các hoạt động đồng loạt như: đồng loạt phát động tuần "Đền ơn đáp nghĩa" trong tháng Bảy hàng năm; đồng loạt tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên địa bàn tỉnh vào một thời gian cố định trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ vận động, kêu gọi, nhận vật chất của các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ cho hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" phải luôn công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, theo dõi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần phối hợp nhiều hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động gặp mặt, tọa đàm giữa thế hệ trẻ hôm nay với các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng…qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; hình thành ý thức trách nhiệm, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước.


Lê Hùng