TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Đá thiên thạch - Tektite trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông
Ngày đăng 22/06/2020 | 15:04  | View count: 27005

Tại Công viên địa chất Đắk Nông, các nhà khoa học đã tìm thấy Tektite hay còn gọi là đá thiên thạch trong khu vực Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên, huyện Đắk Song. Tektite Thiền viện Trúc Lâm là điểm di sản địa chất kiểu vũ trụ độc đáo duy nhất đã được xác lập trong phạm vi Công viên địa chất Đắk Nông.

Mẫu đá thiên thạch - Tektite được tìm thấy trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông

Tên gọi "Tektite" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp – "Tektos" nghĩa là nóng chảy. Đây là một thủy tinh thiên nhiên, hình thành do tác động của thiên thạch khi rơi vào Trái Đất, thuộc kiểu di sản các vấn đề về vũ trụ (kiểu F, theo Tiêu chuẩn phân loại tạm thời các di sản địa chất của UNESCO), để chỉ các khu vực còn lưu giữ các sản phẩm, dấu tích thiên thạch hoặc dấu tích các va đập có nguồn gốc vũ trụ.
Về nguồn gốc thành tạo của đá thiên thạch – Tektite, hiện các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi trên hai quan điểm lớn:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng tektite có nguồn gốc từ Trái Đất với luận giải rằng: Khi khối thiên thạch từ vũ trụ rơi xuống, mang theo nguồn năng lượng rất lớn, va đập mạnh vào Trái đất, làm vật liệu Trái đất nơi va đập bị nóng chảy và văng xa hàng trăm km. Sau đó, vật liệu nóng chảy này đông cứng và nguội lạnh, hình thành nên tektite.

- Quan điểm thứ hai cho rằng tektite có nguồn gốc từ vũ trụ: Khi các thiên thạch bay lơ lửng trong không gian vũ trụ, một số rơi vào bầu khí quyển của Trái đất do lực hấp dẫn, đã ma sát với không khí và bốc cháy, rồi nóng chảy sau đó đông nguội, rơi xuống mặt đất, hình thành tektite.

Tại Việt Nam, tektite thường có màu đen, tuổi khoảng 0,75 triệu năm với hình dáng rất khác nhau như dạng đĩa, dạng cầu, dạng chày, dạng vỏ cây và các biến thể... được tìm thấy ở một số tỉnh, thành như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng... Trọng lượng của tektite thường phụ thuộc vào hình dạng hạt và tỷ lệ thuận với kích thước.

Khi nghiên cứu, lập hồ sơ di sản trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, các nhà khoa học đã tìm thấy 3 mẫu tektite (kích thước từ 4 – 6 cm) đặc trưng cho kiểu Indochinit, thuộc vùng tektite Á – Úc tại Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên. Các mẫu tektite có màu đen, phớt nâu, trên bề mặt có nhiều vết lõm tròn và rãnh khía, ánh thủy tinh. 

Việc tìm thấy dấu vết của đá thiên thạch trong vùng Công viên địa chất Đắk nông mở ra một hướng tiếp cận mới về sự đa dạng các loại hình di sản của khu vực này. Theo khuyến cáo của nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên địa chất, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông cần mời các nhà khoa học trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu để hỗ trợ địa phương tổ chức các cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu về loại hình di sản kiểu vũ trụ độc đáo này. 


Bạch Vân