TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Hy sinh vì cách mạng và chăm lo cho Nhân dân, cụ Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí. Cụ mãi là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân.
Hết lòng vì cách mạng
Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe) sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 16 tuổi (1905), Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 17 tuổi (1906), Nguyễn Văn Tố được chính thức vào làm việc tại Học viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội và từng bước thăng tiến, giữ chức Chủ sự dưới quyền giám đốc EFEO cho đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời trong bối cảnh cấp thiết chống đói, chống dốt cho Nhân dân. Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội, là đại biểu của tỉnh Nam Định. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay).
Ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Ngày 25/10/1947, trong đợt tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Cụ bị chúng bắt tại Bắc Kạn khi chưa kịp di chuyển về nơi an toàn. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Cụ vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và anh dũng hy sinh.
Ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đối với đất nước, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể truy tặng cụ Nguyễn Văn Tố Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất và cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội khóa I chấp thuận, ngày 3/11/1946. Hàng đầu (từ phải sang trái): Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố. |
Chăm lo Nhân dân
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó diệt "giặc đói" và "giặc dốt" là nhiệm vụ quan trọng ngang hàng với diệt "giặc ngoại xâm".
Ngày 2/11/1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội cứu đói. Hội này được tổ chức xuống tận các làng ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ, sau đó lan rộng ra khắp cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã trực tiếp đến các địa phương chỉ đạo thành lập Hội cứu đói; kêu gọi các địa phương hưởng ứng lời kêu gọi tương thân, tương ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện "Hũ gạo cứu đói", "những ngày đồng tâm nhịn ăn". Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố phát động nhiều cuộc vận động quyên góp ủng hộ người lao động nghèo và tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề "nạn đói" cuối năm 1944 đầu năm 1945 do thực dân Pháp, phát xít Nhật gây ra. Trong khoảng thời gian 2 tháng (tháng 9 đến tháng 11 năm 1945), Bộ Cứu tế xã hội đã quyên góp ở 3 miền với số tiền 160.000.000 đồng và tải gạo từ Nam ra Bắc giao cho Hội cứu đói, có đóng góp to lớn vào việc giải quyết nạn đói đang có nguy cơ tái diễn.
Để giải quyết tận gốc nạn đói, Chính phủ đã lập Ủy ban Trung ương phụ trách sản xuất. Ngày 15/11/1945, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc dân kinh tế ký Nghị định số 41-BKT đưa ra các biện pháp khuyến khích tận dụng nguồn đất đai trồng màu cứu đói và phối hợp Bộ Canh nông tổ chức thêm những cơ sở gia tăng tập thể, dùng nguồn đất công cộng gia tăng sản xuất, chỗ nào có đất trống đều trồng trọt rau màu… Do vậy, kết quả sản lượng màu đã tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc, trong 6 tháng (tháng 11/1945 - tháng 5/1946) đã đạt 614.000 tấn quy ra thóc là 506.000 tấn và nạn đói đã bị đánh lùi. Đúng kỷ niệm 1 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/1946), đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ tuyên bố: "Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là kỳ công của chế độ dân chủ".
Năm 1938, cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng Hội truyền bá chữ quốc ngữ Bắc Kỳ. Trong suốt 7 năm (từ 1938-1945), Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã mở 17 chi nhánh ở Bắc Kỳ với 820 lớp học, có 2.903 giáo viên đã dạy cho 41.118 người biết đọc, biết viết. Hoạt động dưới danh nghĩa là Hội hoạt động văn hóa giáo dục, nhưng thực chất Hội truyền bá chữ quốc ngữ. Cách mạng tháng Tám thành công, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ trở thành nòng cốt của cuộc vận động diệt "giặc dốt" và "phong trào bình dân học vụ" là chủ trương của chính quyền cách mạng. Phong trào này đã lan rộng khắp nơi, trở thành hoạt động quần chúng sâu rộng và tiến bộ của trí thức yêu nước. Cụ Nguyễn Văn Tố có công lao, đóng góp quan trọng trong thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí. |
Không chỉ có đóng góp to lớn đối với việc giải quyết nạn đói, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố cùng với thành viên Chính phủ từng bước thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt "giặc dốt". Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố chủ trương kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa cơ quan học vụ của Nhà nước với các đoàn thể cứu quốc để nâng cao dân trí cho hàng triệu đồng bào như: Phối hợp với Nha Bình dân học vụ đào tạo cấp tốc những đoàn cán bộ chuyên trách và đưa về các địa phương gây dựng cơ sở. Trong một thời gian ngắn, Bộ Cứu tế xã hội và Nha Bình dân học vụ đã tổ chức được 3 lớp huấn luyện đào tạo đội ngũ cán bộ bình dân học vụ cho cấp tỉnh mang tên "khóa học Hồ Chí Minh", "Phan Thanh" và "Đoàn kết". Sau khi tham gia huấn luyện, học viên tản về các địa phương trong cả nước tích cực tuyên truyền vận động và trực tiếp dạy chữ cho hàng triệu đồng bào. Phong trào toàn dân tham gia bình dân học vụ sôi nổi trên khắp cả nước và làm thay đổi cả bộ mặt xã hội vui tươi, khỏe mạnh, tự tin trong bầu không khí độc lập.