TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta, trở thành di sản quý giá của dân tộc, với sự đóng góp to lớn của lớp lớp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân để lại, với khí phách “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"…
Đó là những lời thề của cả một thế hệ, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vượt qua Trường Sơn hùng vĩ để tới chiến trường. Đường Trường Sơn trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá của biết bao người con thân yêu của dân tộc; quyết tâm, sẵn sàng hy sinh xương máu và tuổi trẻ của mình cho con đường, đó là một trong những nhân tố quyết định đem lại sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Trong niềm tự hào đó, Đắk Nông qua bao thế hệ tự hào là mảnh đất nối thông con đường huyền thoại Trường Sơn - Hồ Chí Minh, đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.
Bia tưởng niệm ghi danh cán bộ, chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông |
Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt". Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Trưởng đoàn, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, có nhiệm vụ xoi mở đường từ Q.K.4 vào Bắc Tây Nguyên (1960 - 1964). Ngay sau đó, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn được gấp rút khai phá. Thời gian đầu, các đoàn dựa vào con đường hành lang Thống Nhất từ chiến khu Nam, Ngãi, Bình, Phú của Liên khu 5 liên lạc với Trung ương trong kháng chiến chống Pháp, tổ chức đường vận tải thô sơ bằng gùi, thồ, lấy sức người là chính. Chuyến hàng đầu tiên được chuyển đến Tà Riệp, Bắc Tây Nguyên ngày 13/8/1959, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Khu 5 vô cùng phấn khởi.
Nhưng, từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ hãy còn là một vùng trắng, ba chiến trường trên vẫn còn bị chia cắt hoàn toàn. Vì vậy, để sớm khai thông con đường vận chuyển chiến lược Bắc - Nam, theo chủ trương của Đảng, ngày 25/5/1959 Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương tổ chức Đoàn B90 gồm 25 đồng chí do đồng chí Trần Quang Sang làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư chi bộ. Nhiệm vụ của Đoàn B.90 là: về chiến trường miền Nam, đến Nam Đắk Lắk, hợp nhất với đội vũ trang công tác bắc Đắk Mil (nam Đắk Lắk) dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, gây dựng cơ sở và xoi, mở đường về Nam Bộ, xây dựng đường hành lang chiến lược nối liền hai chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Đến cuối tháng 10/1959, Đoàn B90 của Trung ương vào đến bon Đắk Rồ, huyện Đắk Mil. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Anh Ba - Bí thư Ban cán sự tỉnh Đắk Lắk, Đoàn B90 cùng với đội công tác Đắk Mil hợp nhất thành một đơn vị. Cùng với chủ trương trên, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ, Khu Ủy miền Đông đã tập trung chỉ đạo tổ chức thành lập các đơn vị xoi mở đường, từ miền Đông Nam Bộ mở ra, là C200, C270 cùng nhau hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng của Trung ương giao.
Việc xoi mở, khai thông đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Nam Tây Nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn gian khổ. Trong điều kiện chiến trường mới lạ, cơ sở cách mạng chưa có, thời tiết ở Tây Nguyên lúc bấy giờ vào mùa mưa, nước các suối đều dâng cao và chảy xiết; trời âm u, việc định hướng để cắt rừng rất khó khăn, không có phương tiện, dụng cụ thiên văn kể cả la bàn, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, đội công tác phải mò mẫm bám từng bon, móc ráp từng người dân, phải tự lo về lương thực hậu cần trong quá trình hoạt động. Sau khi sắp xếp phân công, phân nhiệm cho từng hướng, các đội công tác bắt đầu triển khai xuống cơ sở vào đầu tháng 12/1959. Sau thời gian vừa tìm cách xoi mở đường, vừa xây dựng cơ sở, cuối tháng 8/1960, một bộ phận của Đội I bí mật vượt lộ 14bis (đoạn Nam Khiêm Đức) cắt rừng vượt sông Đắk R'tih, đoạn vàm Đắk R'tih giáp sông Đồng Nai để tìm lực lượng phía Nam. Đến vàm Đắk R'tih, nước sông dâng cao do trận mưa lớn ở thượng nguồn, nước lũ đổ về chảy mạnh và xiết không thể qua được. Không chịu lùi bước trước khó khăn, đồng chí Trần Văn Thời tìm cách bơi qua sông. Do nước sông chảy xiết và mạnh nên khi đồng chí bơi qua gần đến bờ bên kia thì dòng nước chảy siết mạnh, dòng nước cuốn mạnh đồng chí ra sông Đồng Nai, đồng chí đã hy sinh trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Sau đó, Đội I tiếp nhận tin của ban lãnh đạo B.4 thông báo ám tín hiệu và địa điểm tìm bắt liên lạc với các đồng chí phía Nam (đoàn C200) nên dừng chân tại đây đợi đơn vị mở đường từ phía Nam ra.
Cùng thời gian Đội I.B90 xoi mở đường từ hướng Bắc xuống, ở hướng Nam, Đội C200 do hai đồng chí Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Trọng Tâm chỉ huy, cùng xoi mở đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai để bắt liên lạc với Đội I. Cuối tháng 8/1960, Đoàn C200 xoi, mở đường tới buôn Bu Sa Đa (vùng sâu giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Quảng Đức). Được đồng bào Mạ có cảm tình với cách mạng giúp đỡ, dẫn đường, Đoàn cử tổ xung kích cắt rừng, vượt sông Đồng Nai Thượng bằng bè mảng của ngư dân sang vàm Đắk R'Tih để bắt liên lạc. Nhưng lúc này đội I.B90 ở phía Bắc vượt sông Đắk R'Tik gặp lũ lớn bị sự cố phải lui về Bu Sanar (Khiêm Đức). Đội C200 tổ chức bám trụ, chờ đợi cuối mùa mưa tiếp tục bắt liên lạc với đội I-B90. Đến giữa tháng 10/1960, Đội I.B90 được lệnh trở lại vùng vàm Đắk R'Tik bắt liên lạc với Đội C200 miền Đông Nam Bộ. Chiều ngày 30/10/1960, hai đội đã gặp nhau, đánh dấu điểm khai thông đường Hành lang phía Đông Quảng Đức (nay là thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).
Ở hướng Đội II.B90, tháng 3/1960, Đội nhận được tin Ban Lãnh đạo thông báo ở phía Nam có lực lượng lên đến Bon Bu Gân, Tây lộ 14. Vì đây là một khu tập trung lớn, có tên tề "Tống Giang" ác ôn nhất vùng nếu phát triển về hướng này sẽ rất khó khăn, vì vậy đội quyết định chuyển hoạt động về phía Đông, phát triển cơ sở vào bon Bu Bơ Đắk Nông, 1 bon nằm trên trục lộ 14 làm bàn đạp. Cuối tháng 9/1960, Đội II được Ban Lãnh đạo B.4 triệu tập về căn cứ học tập, bàn kế hoạch khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ xoi mở đường. Sau khi nắm tình hình, đội đề nghị Ban Lãnh đạo B.4 báo về Liên khu, để Liên khu trao đổi với phía Nam Bộ xin hẹn địa điểm hai bên gặp nhau bằng ám tín hiệu. Khoảng 20 giờ ngày 4/11/1960, trên gò cao taluy đường 14, Đội II (B90) và Đội C270 bắt được liên lạc, đánh dấu mốc lịch sử khai thông đoạn hành lang phía Tây Quảng Đức (nay là thôn 8 xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Như vậy, sau gần một năm vừa phát triển, gây dựng cơ sở quần chúng, vừa xoi mở đường, đến tháng 11/1960, Đoàn B90, C200, C270 phía Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, khai thông đường hành lang chiến lược - đường Hồ Chí Minh từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, đã chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu V với miền Đông Nam Bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến. Sự kiện lịch sử này đã khẳng định về vai trò to lớn của các đội xoi mở đường dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự B4 cùng với đóng góp to lớn của quân và dân trên địa bàn Đắk Nông, như một vết son sáng chói, rất đáng tự hào, góp phần khai thông đường Hồ Chí Minh, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.
Từ khi đoạn cuối đường Hồ Chí Minh được khai thông, chỉ trong một thời gian ngắn, một khối lượng hàng hoá tương đối lớn do Trung ương chi viện tập kết tại nhiều kho hàng ở Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) đã nhanh chóng được vận chuyển vào Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, trong đó có nhiều loại hàng tối cần thiết như máy truyền tin, đài phát thanh, thuốc men, dụng cụ y tế... Ngoài khối lượng hàng hoá vận chuyển trên tuyến ngày một lớn, lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến hành lang đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ trong đó có tỉnh Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) còn tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cán bộ cấp cao của ta từ miền Bắc vào Nam, như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Võ Chí Công (Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), Trần Chí Cương (Bí thư Khu uỷ Khu 5), Trần Nam Trung (Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục), Trần Lê (Bí thư Khu uỷ Khu 6)..., đưa sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào giải phóng miền Nam.
Khai thông đường Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung phát triển hết sức thuận lợi, bước vào giai đoạn lịch sử mới của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đây là thành công vô cùng to lớn, tuyến đường hành lang đã trở thành con đường huyết mạch chiến lược trọng yếu cho cách mạng cả nước nói chung, Đắk Nông nói riêng, là một bộ phận quan trọng cho các cơ quan chính quyền cách mạng hoạt động và chiến đấu, có vai trò thiết yếu trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vận chuyển sức người sức của từ miền Bắc vào miền Nam, tạo sức mạnh to lớn để đi đến thắng lợi trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện khai thông đoạn cuối đường Trường Sơn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt đối với Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đường Trường Sơn nói chung và hành lang Đắk Nông nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược. Đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Nông là điểm quan trọng nối đường Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ tạo nên sự đổi thay của đất nước nói chung và Đắk Nông nói riêng, đã và đang tiếp tục được xây dựng, mở rộng và nâng cấp hiện đại hơn nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Phạm Lục - BTGTU