TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Tố cáo (sửa đổi)
Ngày đăng 27/03/2018 | 11:39  | View count: 6225

Ngày 27/3/2018, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với 2 dự thảo: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật Tố cáo (sửa đổi). Đồng chí Võ Đình Tín – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu thảo luận tại phiên góp ý kiến về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
 

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Cao Huy – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban Nội Chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với 2 phiên sáng và chiều. Tại phiên buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Buổi chiều, hội nghị tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu đối với dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Đây là 2 trong số các dự thảo Luật quan trọng sẽ được tiến hành thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV) dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5/2018.

Tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XIV), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận ở Tổ và Hội trường kỳ họp. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, do việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng có nhiều vấn đề khó, cần được trao đổi kỹ hơn nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò và 71,5% đại biểu đồng tình thảo luận dự án luật này trong 3 kỳ họp.

Đại diện Hội Luật gia tỉnh tham gia góp ý kiến tại hội nghị về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
 

Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội Khóa XIV), Chính phủ đã giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của các Đại biểu quốc hội, rà soát các quy định của pháp luật, đối chiếu với kết quả tổng kết thi hành Luật để chỉnh lý dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật hiện hành và tính khả thi trong thực tiễn. Theo đó, Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 124 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tháng 10/2017 và tăng thêm 13 điều so với Luật hiện hành); đồng thời điều chỉnh phương án xin ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, có vấn đề được gộp thành 1 phương án, hoặc có vấn đề cần trình theo 2 phương án để Quốc hội cho ý kiến.

Tại phiên thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến vào 8 nhóm vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo luật, bao gồm: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; về kiểm soát xung đột lợi ích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy góp ý kiến tại hội nghị về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)
 

Về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), cũng đã được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội Khóa XIV). Sau kỳ họp, Dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, hình thức tố cáo; điều kiện thụ lý tố cáo, thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; rút tố cáo; cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo...nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo hiện hành. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm có 9 chương 68 điều, dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV) sắp tới.

Tại hội nghị, các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) tập trung vào các vấn đề như: Hình thức tố cáo; việc bảo vệ người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hướng dẫn người tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật  trong việc thực hiện nhiệm vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; xử lý tố cáo có dấu hiệu tội phạm...

Đồng chí Võ Đình Tín - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị
 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết các ý kiến trên sẽ được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ và đưa vào nội dung thảo luận, góp ý tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để giúp cho các dự thảo Luật tại kỳ họp đạt chất lượng cao, sớm đi vào thực tiễn đời sống xã hội. 

Sam Nguyễn