TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Sáng 25/12, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và 63 trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Văn Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp là thành viên Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ công tác đề án 06 của tỉnh. Hội nghị cũng được kết nối tới 08 điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Về kết quả thực hiện Đề án 06
Sau 1 năm thực hiện Đề án 06, về hoàn thiện thể chế đã xây dựng 04 nghị định của Chính phủ, 2 thông tư của Bộ Công an, 3 thông tư của Bộ Tài chính quy định các nội dung liên quan đến thực hiện Đề án 06, nhất là các dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền, bảo đám xác thực, chính xác danh tính; phòng, chống rủi ro, gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến ngày 22.12.2022, hệ thống định danh và xác thực điện tử thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký; phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; trong đó, trên 2,6 triệu tài khoản đã kích hoạt; đến nay, đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân. Cơ sơ dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương…
Về tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 trên các lĩnh vực như: Nhận thức số; chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số; kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo; tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia; hạ tầng số; nền tảng số; nhân lực số… Cụ thể, 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia.
Cổng dịch vụ công quốc gia trong 11 tháng năm 2022 đã có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,62 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 3 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,75 nghìn tỷ đồng. Từ khi khai trương (11-2019) đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.250 dịch vụ công trực tuyến; hơn 1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 152 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 3,88 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,45 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, có tổng cộng 107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Trong đó: Bộ, ngành Trung ương có 42 nhiệm vụ đã hoàn thành; 2 nhiệm vụ đang triển khai (2 nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo); các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 59 địa phương đã hoàn thành, 04 địa phương đang tiếp tục triển khai là: Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang, Trà Vinh.
Cũng tại Hội nghị các đại biểu tại các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng đã tham luận chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở. Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"…
Đồng thời, Thủ tướng đặt vấn đề, việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới trong bối cảnh năm 2023 sắp tới, là năm tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi./.
Tin: Hoàng Liên.