TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với thị trường
Ngày đăng 09/09/2022 | 08:12  | View count: 7305

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ 8, khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với thị trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

Theo đánh giá, thời gian qua, được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngành Nông nghiệp đã có những bước phát triển tương đối toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, tiếp tục đóng vai trò là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng của tỉnh.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có xuất phát điểm thấp. Nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế nông nghiệp chưa cao. Hệ thống cơ chế, chính sách và giải pháp để phát triển nông nghiệp của tỉnh cũng như sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là các cấp, ngành, địa phương chưa được đồng bộ...

Từ thực tế hạn chế trên, Nghị quyết hướng đến mục tiêu xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, thông minh, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) được địa phương tập trung phát triển theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cụ thể, nghị quyết đặt ra yêu cầu phát triển nông nghiệp phải gắn với nông dân, nông thôn và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường. Việc phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường. Đất đai, tài nguyên khai thác và sử dụng hợp lý; xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo hướng tích hợp, đa giá trị.

Tư duy sản xuất nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó, xác định cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm, thực hiện "tri thức hóa nông dân" nhằm nâng cao vai trò, vị trí, năng lực làm chủ của người dân trong quá trình phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết xác định lấy giải pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp (liên kết, hình thành vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế tập thể) làm nền tảng; đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp đồng bộ là giải pháp then chốt; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là giải pháp đột phá; phát triển chuỗi ngành hàng gắn với thị trường, thu hút đầu tư là giải pháp lâu dài.

Phát triển nông nghiệp thông minh

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ cấu lại ngành, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao, với giá trị sản xuất đạt trên 95 triệu đồng/ha. Ðắk Nông tìm kiếm, mở rộng và phát triển thị trường, đẩy tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông sản đạt bình quân 5%/năm. Nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính.

Ðến năm 2030, phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường. Giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 40% gắn với nâng cao chất lượng rừng và phát triển kinh tế rừng.

Cây mắc ca được xác định cây nông nghiệp đa mục tiêu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân huyện Tuy Đức. 

Nghị quyết đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện. Cụ thể, tỉnh thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, rà soát, định hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao.  Quy mô, diện tích, sản xuất các sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được đầu tư mở rộng; củng cố, đổi mới, phát triển nâng cao các hình thức kinh tế sản xuất.

Đắk Nông đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa, hiện đại, đa mục tiêu. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu gắn với thị trường; phát triển thị trường, bảo đảm nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai, giảm phát thải nhà kính.

Hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm đổi mới, nâng cao. Các chương trình, đề án, kế hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ. Từ đó, lồng ghép, huy động các nguồn lực tham gia vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường…

Phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 8, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh yêu cầu: Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa nghị quyết bằng kế hoạch, chương trình hành động với quyết tâm chính trị cao; xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, dự án phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm khả thi và đạt các mục tiêu đề ra.

Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhanh chóng quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình, kế hoạch hành động của cấp mình, phù hợp với điều kiện thực tiễn và bảo đảm tính khả thi cao để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử