TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 05/09/2022 | 11:13  | View count: 5839

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, triển khai thực hiện Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 18/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022; Công văn số 4679/VPCP-KTTH ngày 26/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc giá thịt lợn và thức ăn chăn nuôi; Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nội dung như sau:

1. Giao các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung đã được UBND tỉnh giao tại Công văn số 2015/UBND-KT ngày 21/4/2022 về việc tăng cường biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường và ý kiến chỉ đạo tại các văn bản số: 209/TB-VPCP ngày 18/7/2022; 4679/VPCP-KTTH ngày 26/7/2022 của Văn phòng Chính phủ và Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, để đảm bảo cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, ngành triển khai các nội dung sau:

Giao Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các ngành liên quan thường xuyên theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp thích hợp để đảm bảo cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định.

Giao Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:

Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt lợn qua biên giới; thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan kiểm tra, kiểm soát đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.

Giao Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

- Làm rõ những bất cập, hạn chế (nếu có) đề xuất giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán, tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ tinh gọn hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán hàng.

3. Định kỳ hàng tháng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài chính trước ngày 01 của tháng tiếp theo để tổng hợp trong báo cáo giá cả thị trường hàng tháng, gửi UBND tỉnh và Bộ Tài chính để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá.

Huy Hoàng