Hội nghị tập trung thảo luận về định hướng hợp tác trong thời gian tới và phương thức nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế LMI. Các Bộ trưởng khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác LMI nhằm hỗ trợ các nước Mê Công hội nhập kinh tế khu vực và phát triển bền vững. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên sáu trụ cột ưu tiên (gồm kết nối, môi trường và nước, giáo dục, y tế, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực và nông nghiệp) để thực hiện thành công Kế hoạch hành động LMI giai đoạn 2016 – 2018.
Nội dung quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công được nêu đậm tại Hội nghị. Các Bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã đề xuất Sáng kiến Dữ liệu nguồn nước Mê Công nhằm hỗ trợ các nước Mê Công trong công tác thu thập, chia sẻ thông tin, phục vụ quản lý nguồn nước sông một cách bền vững. Sáng kiến được các nước Mê Công hoan nghênh và nhất trí triển khai. Các Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp tục hợp tác với Uỷ hội sông Mê Công vì sự tăng trưởng bền vững, bao trùm và có trách nhiệm với môi trường tại lưu vực sông Mê Công.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 10 và nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng LMI lần thứ 11 tại Xinh-ga-po vào năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh những thành tựu quan trọng mà hợp tác LMI đạt được trong thời gian qua và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước Mê Công và Mỹ thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển bền vững tại khu vực Mê Công. Phó Thủ tướng cho rằng LMI có thể hỗ trợ các nước Mê Công thích ứng và nắm bắt cơ hội phát triển mới trong bối cảnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển đổi nhanh chóng. Để làm được điều này, LMI cần đặt ưu tiên vào các nội dung sau: (i) Giúp các nước Mê Công chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang phát triển kinh tế dựa trên tri thức, sức sáng tạo và phát huy tinh thần doanh nghiệp; và tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại khu vực Mê Công; (ii) Thúc đẩy kết nối thông suốt trong nội khối các nước Mê Công và giữa khu vực Mê Công với các quốc gia bên ngoài thông qua các dự án bổ trợ cho Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng; và (iii) Tiếp tục hỗ trợ các nước Mê Công bảo đảm sự cân bằng về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; và giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm tàng về môi trường và xã hội của các dự án cơ sở hạ tầng lớn./.
Theo dangcongsan.vn