THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu
Ngày đăng 23/04/2018 | 13:39  | View count: 4487

Sáng 23/4, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Nông có đồng chí Trần Xuân Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,1 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2016, chiếm 72,5 tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 59 tỷ USD, tăng 17,1%.

Hiện nay, sau 7 năm thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, quy mô xuất khẩu đã tăng 2,21 lần so với năm 2011 (96,9 tỷ USD); tốc độ tăng xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm. Đồng thời, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự chuyển dịch tương đối thành công, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2%. Tuy có tỷ trọng trong cơ cấu của nền kinh tế giảm, nhóm hàng nông, thủy sản vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2017, Việt Nam có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 thị trường trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD. Cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm công nghiệp. Theo đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD); thị trường EU chiếm 17,6; 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể, xuất khẩu dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất của Khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh hơn. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực Châu Á (52,7%). Sản xuất nhiều mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, rất  khó kiểm soát vấn đề an toàn và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc; vẫn còn tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hạt tiêu, gạo), ảnh hưởng tơi hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam...

Trong năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo khả quan, trong đó có nhiều nước được dự báo tăng trưởng cao với nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy vậy, việc xuất khẩu cũng được dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, trong khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng, nguy cơ cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn tạo tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Một số nước thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Ngoài ra, nhận thức của người dân cũng như Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng  và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...

Trước cơ hội và thách thức của năm 2018, Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. Các giải pháp này chia thành 3 nhóm lớn, chủ yếu hướng về Khối doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: Nhóm giải pháp tác động vào phía cung; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối giữa cung và cầu. Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cũng nêu những khó khăn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thảo luận các biện pháp tháo gỡ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các đại biểu đã nêu các vấn đề nổi cộm về thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Từ những ý kiến này, Thủ tướng nhìn nhận, phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Đồng thời, để thúc đẩy xuất khẩu, cần phải tạo phong trào cách mạng trong nhân dân về đấu tranh, chống tình trạng làm dối, làm ẩu trong sản xuất sản phẩm để giữ uy tín cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành Công Thương và các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20%. Đồng thời, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu; phải nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất. Những địa phương có đầu ra là xuất khẩu phải có sự chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại…

 

Sam Nguyễn