THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm
13/01/2020 | 08:41  | View count: 57813

Sáng ngày 11/1, diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tại 63 tỉnh thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk nông có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ; cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị.

Đại biểu tham dự tại đIểm cầu tại Đắk Nông

Theo báo cáo tại hội nghị, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực; Cụ thể như:

Bước đầu hoàn thiện thể chế quản lý: tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019 các Bộ, ngành đã ban hành 266 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 877 tiêu chuẩn Việt Nam, khắc phục căn bản tình trạng thiếu hụt tiêu chuẩn ATTP so với giai đoạn 2011-2016. Đặt biệt Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, theo đó chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao. Số cơ sở đã thanh tra, kiểm tra; số cơ sở bị xử lý trung bình/năm; số tiền phạt trung bình/năm tăng lên rõ rệt. Từ năm 2017-2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần)...;

Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cộng đồng được nâng cao. Cùng với đó, chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sau 1 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Đã có trên 1,2 triệu hội viên nông dân, hơn 2 triệu gia đình hội viên phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm;

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các trường hợp sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn; kịp thời biểu dương tôn vinh những điển hình tiên tiến.

Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm, 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (giảm 29,6%), số tử vong giảm 9 người (giảm 52,9%).

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ với nhiều nguy cơ về ATTP, đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo ATTP vẫn hết sức khó khăn; thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn... Hội nghị đã đề ra một số giải pháp như: tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; nhân rộng các mô hình chuỗi kinh doanh thực phẩm có kiểm soát; giám sát về ATTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu điểm du lịch, bệnh viện, trường học...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác ATTP trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về ATTP, phân công nhiệm vụ rõ ràng theo từng cấp. Tăng cường kinh phí cho ATTP, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, sự tham gia của toàn xã hội vào công tác ATTP. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để quản lý về lĩnh vực ATTP. Đồng thời cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn phù hợp theo quy định quốc tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, chợ nông thôn. Xây dựng vùng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ song song với tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP…

Song Thư