THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Những năm qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở chú trọng thực hiện, khắc phục một số khó khăn trong công tác cán bộ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ được luân chuyển, nhất là cán bộ trẻ cơ bản trưởng thành và phát huy được năng lực, sở trường.
Từ Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đắk Song được điều động, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Nam Bình (Đắk Song), ông Pham Đức Bảy (thứ 2 từ trái qua) thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống người dân |
Đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu
Cách đây hơn 2 năm, khi đang là Phó Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch, ông Trần Đình Tuấn được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Làm chuyên viên rồi đến phó trưởng phòng cấp huyện, ông Tuấn đều làm công tác chuyên môn hẹp. Vì vậy, vị trí Chủ tịch UBND xã Đắk Nia là công việc hoàn toàn mới với rất nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước. Mặt khác, ông Tuấn không phải là người địa phương nên việc nắm bắt tình hình, tư tưởng cán bộ, người dân cũng là vấn đề khó khăn.
Ngay sau khi được điều động về xã, ông Tuấn đã chủ động hòa nhập, tiếp cận ngay công việc. Đối với những lĩnh vực mới mẻ, ông thể hiện tinh thần cầu thị, học hỏi, đoàn kết với tập thể cán bộ, công chức, đảng viên để tháo gỡ những vướng mắc của địa phương. Từ chỗ làm quen với công việc mới, ông Tuấn nỗ lực nhiều hơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ nên dần tạo được lòng tin trong cán bộ, đảng viên và người dân.
Ông Trần Đình Tuấn chia sẻ: "Về công tác ở cơ sở, tiếp xúc trực tiếp háng ngày với người dân, tôi luôn cố gắng gương mẫu, cầu thị, đặt trách nhiệm công việc lên hàng đầu cũng như có nhiều đổi mới trong quản lý điều hành. Do đó, các hoạt động của xã đã đi vào nền nếp, hiệu quả hơn. Tôi cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương".
Với sức trẻ, ông Tuấn tạo được đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, người dân, phong trào chung của xã Đắk Nia có chuyển biến rõ nét và năm 2018 đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tháng 7/2019, ông Tuấn được Thị ủy Gia Nghĩa tin tưởng giao trọng trách thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã.
Ông Tuấn cho biết: "Về công tác ở cơ sở là điều kiện, cơ hội để rèn luyện, bồi dưỡng, giúp bản thân tôi phấn đấu, trưởng thành toàn diện hơn. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để đưa Đắk Nia phát triển bền vững, đời sống của người dân ngày được nâng cao hơn".
Sâu sát cơ sở, gần dân
Tương tự, từ Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, ông Nguyễn Văn Anh được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân (Đắk Song) và bước đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự đoàn kết của tập thể cán bộ xã, thôn, bon, ông Anh sớm quen với vị trí, công việc.
Ông Nguyễn Văn Anh (ngoài cùng bên trái), Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân (Đắk Song) xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyên vọng của hộ ông Đỗ Văn Long ở thôn 7 khi tự nguyên xin ra khỏi hộ nghèo |
Ông Anh chia sẻ: "Khi về làm công tác đảng ở Đảng ủy xã, tôi đã nắm bắt, học hỏi được nhiều vấn đề từ thực tiễn, sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân hơn để giải quyết tốt các vấn đề ở địa phương".
Theo đó, sau khi nắm bắt tình hình, đi sâu tìm hiểu thực tế của địa phương, nắm lại hết những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, ông Anh cùng tập thể lãnh đạo xã đề ra hướng giải quyết theo hướng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất gắn với gần dân, có trách nhiệm với công việc của dân. Đến nay, xã Trường Xuân đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng được huy động, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Những yếu kém trước đây của xã, nhất là an ninh trật tự chuyển biến rõ nét.
Tạo điều kiện để cán bộ trưởng thành và phát triển
Thực hiện các quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ nguồn của tỉnh về cơ sở công tác để đào tạo, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn cũng như tạo điều kiện để cán bộ trưởng thành và phát triển toàn diện hơn.
Đặc biệt, tỉnh đã cử đi đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ và mở các lớp bồi dưỡng để trang bị kiến thức, phục vụ cho việc luân chuyển về cơ sở đối với 221 cán bộ nguồn của tỉnh; trong đó đã luân chuyển 72 cán bộ.
Theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) "về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" cho thấy, việc luân chuyển, điều động đã tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn về công tác cán bộ, khắc phục từng bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ. Mặt khác, quá trình thực hiện đã kết hợp với điều động bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí lại cán bộ phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường công tác...
Về phía cán bộ được luân chuyển có bước trưởng thành, biết vận dụng, phát huy năng lực, chuyên môn được đào tạo vào việc lãnh đạo, điều hành công việc, có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết. Nhiều cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp huyện, cấp tỉnh. Một số trường hợp được cơ sở đề xuất tiếp tục ở lại cống hiến cho địa phương.
Cụ thể, riêng số cán bộ nguồn của tỉnh đã có 1 trường hợp tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 3 trường hợp tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy; 3 trường hợp tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 12 trường hợp tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thị xã; 18 trường hợp giữ chức vụ trưởng, phó các sở, ban, ngành cấp tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XI đến tháng 5/2019, cấp tỉnh đã luân chuyển 8 trường hợp (sở ban ngành về huyện 4 trường hợp, huyện về sở ngành 1 trường hợp, huyện này sang huyện khác 1 trường hợp, sở ban ngành sang sở ban ngành 1 trường hợp); điều động 65 trường hợp (Trung ương về tỉnh 1 trường hợp, sở ngành về huyện 11 trường hợp, huyện về sở ban ngành 22 trường hợp, sở ban ngành sang sở ban ngành 31 trường hợp). Cấp huyện đã luân chuyển 47 trường hợp (huyện về xã phường thị trấn 27 trường hợp, xã phường thị trấn về huyện 6 trường hợp, xã này sang xã khác 9 trường hợp, phòng này sang phòng khác 5 trường hợp); điều động 184 trường hợp (huyện về xã phường thị trấn 40 trường hợp, xã phường thị trấn về huyện 33 trường hợp, xã này sang xã khác 10 trường hợp, ngành này sang ngành khác 101 trường hợp). |
Ban hành quy định chặt chẽ, cụ thể hơn
Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng cho thấy, công tác luân chuyển, điều động cán bộ vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Đơn cử, số lượng cán bộ luân chuyển ở các cấp còn ít, chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp. Việc lựa chọn vị trí, chức danh luân chuyển ở một số trường hợp chưa phù hợp nên không đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ và cán bộ được luân chuyển cũng không phát huy được năng lực công tác để đóng góp cho cơ quan, đơn vị, địa phương nơi luân chuyển đến.
Sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển chưa sâu sát, dẫn đến việc đánh giá để bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường họp còn bất cập, thiếu chính xác. Một số địa phương chưa thật sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển đến để tiếp cận công việc và phát huy năng lực một cách tốt nhất. Ngược lại một số trường hợp cán bộ luân chuyển chưa tích cực phấn đấu rèn luyện, thử thách để hoàn thiện mình qua thời gian luân chuyển.
Từ thực tiễn đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ tiếp tục được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa xây dựng và ban hành quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Trong đó, tỉnh xác định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, thời gian luân chuyển và quy trình luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể, nêu rõ mục đích, yêu cầu, thời gian, đối tượng, vị trí luân chuyển. Đồng thời, tỉnh có kế hoạch, định hướng bố trí sử dụng cán bộ sau khi hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển. Song song đó, tỉnh xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ luân chuyển, qua đó tạo điều kiện để cán bộ được luân chuyển an tâm công tác, phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân để cống hiến cho địa phương, đơn vị.
Theo Báo Đắk Nông điện tử