THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
09/05/2017 | 09:52  | View count: 54951

Nhằm hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp đến năm 2020" trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Kế hoạch được áp dụng với các đối tượng là trẻ em dưới 36 tháng tuổi ra lớp, giáo viên, bảo mẫu quản lý nhóm trẻ; bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi và người dân sống tại cộng đồng, địa phương có khu công nghiệp, với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi gửi tại các nhóm trẻ được quản lý, chăm sóc đảm bảo chất lượng; 95% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ; 03 đến 05 nhóm trẻ độc lập tư thục được kiện toàn, hỗ trợ và phát triển.

Việc hỗ trợ, kiện toàn và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng được thực hiện thông qua các hình thức: Hỗ trợ thủ tục, cơ chế, cơ sở vật chất; hỗ trợ nâng cao năng lực; các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động.

Về kinh phí thực hiện, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập dự toán kinh phí trình Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp báo cáo UNBD tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo Thông tư số 143/2014/TC-BTC ngày 30/9/2014 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" từ nguồn ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh giao việc tổ chức thực hiện cho các cơ quan, đơn vị như sau:

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động giai đoạn và hằng năm, dự toán kinh phí từng năm và tổ chức triển khai thực hiện; Chịu trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính nguồn kinh phí chi cho các hoạt động triển khai thực hiện Đề án; Chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án trong các cấp Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ ở khu vực khu công nghiệp; lồng ghép, kết hợp các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các cuộc vận động thông qua hệ thống tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án; Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý, giáo viên, bảo mẫu các nhóm trẻ độc lập tư thục; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã có khu công nghiệp khảo sát và triển khai Đề án; Chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của Đề án; tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam theo yêu cầu; Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung của Đề án; Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật; tham gia quản lý hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục; Chỉ đạo Phòng Giáo dục các huyện, thị xã có khu công nghiệp vận động, tuyên truyền các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi ra lớp; vận động, hỗ trợ các nhóm trẻ chưa có giấy phép hoạt động hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xin cấp phép hoạt động.

Sở Tài chính: Cân đối, bố trí ngân sách hằng năm bảo đảm cho việc triển khai thực hiện Đề án kịp thời, hiệu quả.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án; Chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại địa bàn thực hiện Đề án giám sát hoạt động của các nhóm trẻ độc lập tư thục; thực hiện các hoạt động bảo vệ trẻ em.

Sở Y tế : Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập tư thục thực hiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em theo quy định; phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục.

UBND các huyện, thị xã: Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả Đề án; Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

Ban Quản lý khu các công nghiệp tỉnh: Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; Tạo điều kiện, chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ cho người lao động có con dưới 36 tháng tuổi.

Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Phối hợp triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ; Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc con cho công nhân lao động tại khu công nghiệp.

 Sam Nguyễn