THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Từ ngày 22 - 26/11/2022, tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa (ISV) lần thứ 20, với chủ đề: "Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa".
Núi lửa Băng Mo
Năm 2022, tỉnh Đắk Nông vinh dự được Ủy ban Hang động núi lửa thuộc Hiệp hội Hang động quốc tế lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20). Đây là lần đầu tiên một Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa (ISV) được tổ chức tại Việt Nam.
Hội nghị ISV là hoạt động quan trọng nhất của Hiệp hội Hang động Quốc tế và Ủy ban Hang động núi lửa (UIS-CVC) nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi các thông tin, kết quả nghiên cứu và kết nối các thành viên trong lĩnh vực này. Hội nghị được tổ chức 02 năm 01 lần. Hội nghị ISV và các kỳ Đại hội của UIS-CVC, UIS-CVC sẽ tổ chức họp Ban điều hành để bàn và biểu quyết các vấn đề quan trọng đối với các hoạt động của Hiệp hội trong những năm tiếp theo.
Hội nghị ISV lần đầu tiên được tổ chức tại quần đảo Hawaii vào năm 1972. Các quốc gia đã đăng cai ISV trong những năm gần đây bao gồm: Ecuador (quần đảo Galapagos), Tây Ban Nha (quần đảo Canary), Hàn Quốc, Jordan, Australia, Iceland và Mỹ (Hawaii và California). Gần đây nhất là ISV lần thứ 19 được tổ chức tại Ý (Catania-Sicily) vào tháng 8 năm 2021.
Tháng 7/2020, Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC). Tên gọi "Dak Nong UNESCO Global Geopark (Viet Nam)" chính thức xuất hiện trên bản đồ Mạng lưới CVĐCTC, gồm 177 điểm đến. Đắk Nông là địa phương thứ 3 của Việt Nam và thứ 164 trên thế giới có CVĐC được UNESCO công nhận là CVĐCTC.
Năm 2021, tuy là thành viên "non trẻ" của Mạng lưới nhưng Đắk Nông đã có sự chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực mới này, đồng thời đã mạnh dạn đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ, từ đó vinh dự được Ủy ban Hang động núi lửa thuộc Hiệp hội Hang động quốc tế thống nhất lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20 năm 2022.
Việc tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức Hội nghị ISV20 là một sự kiện đối ngoại quan trọng, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá hiệu quả hệ thống hang động núi lửa - di sản địa chất (có dấu vết của văn hóa người tiền sử) mang tầm quốc tế trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, thu hút các nhà khoa học đến nghiên cứu, nâng cao thêm giá trị của hệ thống hang động, giá trị văn hóa đặc trưng; chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả di sản mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông chủ động đăng cai tổ chức một sự kiện khoa học mang tầm quốc tế khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất mang tầm quốc tế. Qua các sự kiện tại Hội nghị, Đắk Nông mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư đồng hành cùng Đắk Nông đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối các điểm đến trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông để thực hiện quan điểm "Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông", đưa du lịch thực sự trở thành một trong 03 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông, theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Hội thảo khoa học cũng cơ hội để tỉnh Đắk Nông có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững di sản, phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đồng thời, nâng cao vị thế của tỉnh Đắk Nông - Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực về bảo tồn và khai thác bền vững các di sản địa chất.
Hội nghị ISV20 còn là sự kiện tỉnh Đắk Nông chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.
CÁC HOẠC ĐỘNG CHÍNH CỦA HỘI NGHỊ ISV20 1. Hội nghị ISV20. Chủ đề Hội nghị ISV20 là "Bảo tồn và phát triển bền vững các núi lửa và hang động núi lửa". Chủ đề Hội nghị ISV lần thứ 20 được mở rộng, bao gồm cả hệ thống các núi lửa - vốn là nguồn gốc sản sinh ra các hang động núi lửa và cũng là những di sản địa chất quý giá mà tỉnh Đắk Nông và một số địa phương khác ở Việt Nam đang sở hữu. Thời gian: Từ ngày 22/11-26/11/2022. Địa điểm: Các Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Hình thức tổ chức: Trực tiếp và trực tuyến. Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Cơ quan tư vấn, hỗ trợ: Hiệp hội Hang động quốc tế (UIS), Ủy ban Hang động núi lửa (UIS-CVC), Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Bộ Ngoại giao. Các hội thảo chuyên đề của Hội nghị ISV20: + Hội thảo ISV20 - Chuyên đề 1: Địa chất/Địa mạo/Quá trình hình thành núi lửa/Báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu; + Hội thảo ISV20 - Chuyên đề 2: Sử dụng hang động/Sinh học trong hang/Quá trình hình thành núi lửa/Địa chất/Quản lý và bảo vệ hang động; + Hội thảo ISV20 - Chuyên đề 3: Địa chất/Báo cáo khảo sát hang động và dữ liệu/Quản lý và bảo vệ hang động. 2 Hội thảo khoa học "15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam". Hội thảo khoa học "15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam" do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Tiểu ban chuyên môn về CVĐC thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đây là sự kiện chào mừng cột mốc 15 năm phát triển CVĐC ở Việt Nam, là cơ hội để các cơ quan, ban, ngành và các địa phương cùng nhìn nhận lại chặng đường 15 năm qua với những thành tựu, bài học kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển CVĐC. Hội thảo cũng là dịp để các cơ quan trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các CVĐC; giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng; giải pháp trong việc quản lý, xây dựng và phát triển CVĐC ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO. Thời gian: Từ ngày 22/11-24/11/2022 tại Hội trường 1.200 chỗ, Trung tâm Hội nghị tỉnh theo hình trực trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của đại biểu các Bộ, ngành Trung ương, đại biểu Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đại biểu Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế và các CVĐCTC UNESCO và CVĐC tiềm năng ở Việt Nam. Ngoài ra, trong chương trình còn diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Tiểu ban chuyên môn về CVĐCTC thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. 3. Các hoạt giao lưu quốc tế của thành viên CVĐCTC UNESCO. Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông (Việt Nam) và Ban quản lý CVĐCTC UNESCO Mudeungsan (Hàn Quốc); Họp trực tuyến các CVĐCTC UNESCO có di sản địa chất núi lửa và hang động núi lửa trong Mạng lưới CVĐCTC UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 4. Các hoạt động khảo sát thực tế CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đại biểu dự Hội nghị, các nhà khoa học quốc tế tham gia khảo sát thực địa hệ thống hang động núi lửa Đắk Nông và các điểm đến trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. |
Song Nguyên