Quyết toán ngân sách địa phương đã được HĐND phê chuẩn

Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sỹ ở nước ngoài
Ngày đăng 15/09/2017 | 14:39  | View count: 4323

Cá nhân được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia và sau tiến sỹ ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 2 năm. Trường hợp nhóm nghiên cứu được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo nhóm ở nước ngoài được hỗ trợ 1.000 USD/tháng.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước được phê duyệt tại Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2395).

Điều kiện, tiêu chí và quy trình tuyển chọn các cá nhân đi đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 2395 được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý Đề án đào tạo đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án 2395 theo nguyên tắc: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập và doanh nghiệp.

Chi đào tạo, bồi dưỡng dài hạn (trên 6 tháng) ở nước ngoài

Thông tư nêu rõ, phí đào tạo, bồi dưỡng, phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và các phí khác liên quan đến khóa đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc (nếu có) phải trả cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: Thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại).

Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với chi phí làm visa.

Sinh hoạt phí: Sinh hoạt phí được tính toán để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt của người học ở nước ngoài bao gồm: tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập.

Mức sinh hoạt phí quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này. Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của nước sở tại (căn cứ theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên của cơ sở đào tạo) và được cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại; tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.

Tiền vé máy bay đi và về (hạng phổ thông): Người học được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp được phía bạn đài thọ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay và thuê phương tiện đi lại từ sân bay về nơi ở) được cấp một lần với mức khoán là 100 đôla Mỹ/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/10/2017.

Theo chinhphu.vn